10 bí ẩn lý giải sự đắt đỏ của thương hiệu đồng hồ Rolex
Bạn có biết rằng giá của một chiếc đồng hồ Rolex đôi khi còn đắt hơn cả một chiếc xe Ferrari?! Điều gì khiến đồng hồ Rolex đặt ra những con số ngất ngưởng đến thế?
Thương hiệu đồng hồ Rolex là một vũ trụ riêng: nơi tụ họp sự tôn trọng, ngưỡng mộ, giá trị, và danh tiếng. đồng hồ Rolex tập trung vào một công việc đơn giản là sản xuất đồng hồ; nhưng, những chiếc đồng hồ đó có giá trị lớn lao hơn là chỉ để xem giờ. Bạn có biết rằng giá của một chiếc đồng hồ Rolex đôi khi còn đắt hơn cả một chiếc xe Ferrari?!
Người ta mất hơn một thập kỷ để có thể đánh giá đúng về giá trị của thương hiệu đồng hồ Rolex. Và sẽ phải mất một gian lâu hơn thế, nếu chúng ta muốn có cái nhìn chi tiết hơn vào guồng máy hoạt động của thương hiệu này. Rolex là một thương hiệu đồng hồ đặc trưng của Thụy Sĩ, vốn rất kín tiếng và rất ít khi tự nói về mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Rất khó để có thể xin vào tham quan công xưởng sản xuất đồng hồ hạng sang này, và một khi đã được sự chấp thuận từ lãnh đạo cấp cao thì người lạ cũng không được phép ghi hình trong trụ sở của họ. Nhưng chỉ cần được vào nhìn thôi, thì những điều thú vị sau đây sẽ làm bạn phải trầm trồ thán phục:
1. Để có đồng hồ đẹp, Rolex sử dụng một loại thép vô cùng đắt tiền, khó chế tác
Không phải tất cả các loại thép không gỉ đều như nhau, chúng gồm nhiều loại, nhiều hạng… hầu hết thép làm đồng hồ đều là thép không gỉ 316L. Tuy nhiên, hiện nay chỉ riêng đồng hồ Rolex sử dụng thép 904L, trong khi các hãng khác hầu như không sử dụng. Trên thực tế Rolex đã từng sử dụng cùng loại thép với những hãng khác, nhưng vào khoảng năm 2003 họ đã chuyển sang dùng loại thép 904L vì tính ít bị ăn mòn, chống gỉ tuyệt đối và độ cứng cao mà kim loại này đem lại. Điều quan trọng nhất với đồng hồ Rolex là thép 904L khi chế tác đúng cách sẽ có thể sáng bóng đến mức khó tin. Nếu bạn từng nhận thấy kim loại của đồng hồ Rolex trông đặc biệt hơn các hãng khác, thì đó chính là vì thép 904L. Vào năm 1998 họ tung ra những chiếc đồng hồ thép 904L đầu tiên – một số ít thuộc dòng Sea – Dweller.
Một câu hỏi khá tự nhiên là vì sao không hãng đồng hồ nào khác dùng loại thép này? Rất dễ đoán – vì nó quá đắt và đòi hỏi quá trình chế tác hết sức công phu. Vì có một số lượng lớn linh kiện đồng hồ được chế tác nội bộ nên khi chuyển sang sử dụng loại thép mới, Rolex đã phải chi hàng tỉ đô la để thay mới hầu như toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất thép cũng như toàn bộ công cụ để có thể làm việc được với thép 904L. Chi phí quá cao cộng với thói quen sử dụng linh kiện từ bên thứ ba, nên không có hãng đồng hồ nào dám liều lĩnh chế tác đồng hồ với thép 904L.
2. Rolex sở hữu phòng nghiên cứu riêng biệt
Hẳn sẽ không ai ngạc nhiên khi biết đồng hồ Rolex có một bộ phận nghiên cứu và phát triển nội bộ. Tuy nhiên, đồng hồ Rolex xây dựng bộ phận này tốt hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Không chỉ có một, đồng hồ Rolex phát triển nhiều loại phòng nghiên cứu khoa học được trang bị cực kỳ hiện đại trong nhiều cơ sở của hãng. Mục đích của những phòng lab này không phải chỉ để nghiên cứu đồng hồ mới, những linh kiện liên quan tới đồng hồ, mà còn nghiên cứu phương pháp chế tạo nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nói theo một cách nào đó, đồng hồ Rolex là một nhà sản xuất cực kỳ cạnh tranh và hầu như bị ám ảnh với khâu tổ chức – dù chỉ để chế tạo đồng hồ.
Quy mô của những phòng lab này gây kinh ngạc thế nào thì chúng cũng đa dạng thế ấy. Nhìn từ bên ngoài, có lẽ phòng hóa học là phòng thú vị nhất. Đầy những cốc và ống thủy tinh dẫn chất lỏng và khí, phòng hóa đồng hồ Rolex tập hợp những nhà khoa học uyên bác. Phòng này dùng làm gì? Một chức năng quan trọng được đồng hồ Rolex khẳng định là dùng để phát triển, nghiên cứu dầu và chất bôi trơn dùng trong chiếc đồng hồ trong suốt quá trình chế tạo.
Đồng hồ Rolex cũng có những căn phòng đầy kính hiển vi điện tử, quang phổ kế để có thể quan sát kỹ kim loại và các vật liệu khác, nhằm xác định hiệu quả của kỹ thuật gia công. Những phòng nghiên cứu này được sử dụng nghiêm túc để giải quyết vấn đề cũng như ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra.
3. Mọi chi tiết của đồng hồ Rolex được lắp ghép và kiểm tra bằng tay
Một trong những nhầm lẫn nghiêm trọng nhất về Rolex là đồng hồ của hãng được sản xuất hoàn toàn bằng máy móc. Có thể tin đồn này xuất hiện bởi xưa nay Rolex rất ít nói về quá trình sản xuất của họ. Vâng, sự thật là sản phẩm Rolex được lắp ráp hầu hết bằng con người, đúng như những gì bạn mong đợi về một hãng đồng hồ Thụy Sĩ danh tiếng.
Hẳn nhiên Rolex cũng dùng máy móc trong quá trình chế tạo. Thật ra, Rolex dễ dàng làm được những chiếc đồng hồ sản xuất trên máy móc tinh vi nhất thế giới. Robot và những loại máy tự động được dùng để thực hiện những khâu mà con người không làm tốt, bao gồm phân loại, trám đầy, lên danh mục và những quá trình tinh vi khác mà bạn muốn máy móc thực hiện, dù hầu hết các loại máy vẫn do con người điều khiển. Nhưng mọi khâu lắp ghép, từ mặt số đồng hồ cho đến dây đeo tay đều làm thủ công. Một chiếc máy chỉ giúp làm những việc như tạo áp lực hay đóng đinh ghim, xếp kim và ấn chúng xuống… Nói điều đó có nghĩa là tất cả các kim đồng hồ được gắn bằng tay với một kỹ thuật viên chuyên môn.
Nói Rolex bị ám ảnh với khâu kiểm soát chất lượng e là còn quá nhẹ! Quan điểm thống trị trong quá trình chế tạo là kiểm tra – kiểm tra, tái kiểm tra, sau cùng là tiếp tục kiểm tra. Mục tiêu là để đảm bảo rằng nếu có một chiếc đồng hồ bị lỗi thì nó phải được phát hiện trước khi rời nhà máy. Từng nhóm lớn thợ làm đồng hồ và những kỹ thuật viên lắp ghép làm việc với từng chi tiết nhỏ nhất trong suốt quá trình Rolex sản xuất, trước và sau khi gửi các chi tiết đến COSC để chứng nhận thời gian.
4. Một lò đúc vàng nội bộ cho đồng hồ Rolex
Rolex tự sản xuất vàng! Chỉ có một nhóm nhỏ nhà cung cấp thép cho họ (Rolex cũng tự sản xuất thép trong các nhà máy nội bộ), tất cả vàng và bạch kim được làm nội bộ. Tại các lò đúc của Rolex, vàng 24k trở thành vàng 18k, vàng trắng, hay vàng Rolex’s Everose (một loại vàng 18k không bị phai màu).
Những lò nung dưới ngọn lửa lớn được dùng để nấu chảy và trộn những kim loại mà sau đó trở thành đồng hồ hay dây đeo. Vì chính Rolex kiểm soát công đoạn sản xuất và gia công vàng, nên hãng có thể đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn cả về kiểu dáng. Với hiểu biết của chúng ta về ngành công nghiệp này, Rolex là hãng đồng hồ duy nhất có thể chế tạo vàng riêng hay có một lò đúc nội bộ.
5. Công nghệ là người bạn tốt nhất
Triết lý của Rolex có vẻ rất thực dụng: “Nếu con người làm tốt, hãy để người làm; nếu máy móc làm tốt, hãy để máy làm”. Có hai lý do khiến nhiều nhà sản xuất đồng hồ không dùng máy. Đầu tiên, máy móc đòi hỏi đầu tư nhiều hơn và trong nhiều trường hợp, để người làm sẽ đỡ tốn kém hơn hẳn. Thứ hai là họ không đặt ra những yêu cầu cao như Rolex. Thật ra, việc sử dụng cả nhân công và máy móc sẽ giúp Rolex sản xuất ra những chiếc đồng hồ với độ chính xác cao hơn.
Điểm mấu chốt trong năng lực tự động hóa của Rolex là việc kiểm soát nguồn cung cấp. Một phần công việc khổng lồ được phân cho máy móc như robot sẽ phụ trách giữ và lấy linh kiện ra, sau đó đặt vào các ngăn tủ chứa hoặc đồng hồ thành phẩm… Các kỹ thuật viên sẽ nhận được các linh kiện hay đồng hồ trong vòng tối đa 8 phút sau khi robot hoàn thành nhiệm vụ.
6. An ninh của kho vàng Fort Knox chẳng là gì so với Rolex
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Rolex đặc biệt chú trọng công tác an ninh. Toàn bộ đồng hồ giá trị đã hoàn thành đều cần được bảo vệ. Rolex áp dụng một chuỗi kiểm tra an ninh cực kỳ kỹ càng và thậm chí hãng còn có hệ thống an toàn kiểu James Bond được đặt dưới những tầng hầm. Trước khi vào phòng an ninh của Rolex, bạn phải đi qua một căn hầm kiên cố có hệ thống nhận diện danh tính bằng dấu vân mắt.
Kỹ thuật viên lắp ghép đồng hồ có một hệ thống thú vị trên bàn làm việc, yêu cầu đưa dấu hiệu nhận dạng mọi lúc kể cả sau khi đã nhận dạng bằng dấu vân tay. Mọi thứ được scan và sắp theo danh mục. Mỗi linh kiện đều có số serial riêng được sao chụp lại và hợp với tổng thể mang một số serial riêng khác để đến khi lắp ghép, kỹ thuật viên có được mọi thông tin cần thiết về từng linh kiện.
Khi những chi tiết đồng hồ được vận chuyển, chúng được chuyển trong những chiếc xe cực kỳ bình thường (để không ai nhận ra) nhưng có lớp bọc sắt rất dày. Rolex cực kỳ nghiêm túc trong công tác bảo mật, vì lý do dễ hiểu là giá trị của đồng hồ Rolex không khác gì tiền.
7. Đồng hồ lặn Rolex được kiểm tra với nước trong bể áp suất
Thông thường thì các hãng đồng hồ sẽ kiểm tra sản phẩm bằng áp suất trong không khí. Đồng hồ được đặt trong phòng nhỏ đầy không khí và nếu áp suất không khí thay đổi có nghĩa là không khí đã lọt vào bên trong chiếc đồng hồ. Mỗi chiếc Rolex Oyster đầu tiên cũng được kiểm tra bằng không khí theo cách này. Mỗi chiếc đồng hồ được kiểm tra trước và sau khi một chi tiết hay đĩa số được lắp ghép vào bên trong nó.
Đồng hồ lặn phải trải qua 2 lần kiểm tra khác nhau. Sau khi kiểm tra với không khí, Rolex tiếp tục kiểm tra khả năng chịu nước của mỗi chiếc Rolex Submariner và Deep Sea trong nước thật. Phương thức kiểm tra này ít phổ biến hơn. Đồng hồ Submariner được đặt trong những ống lớn đổ đầy nước để đảm bảo rằng chúng có thể chịu nước ở độ sâu 300m. Phương pháp kiểm tra này đặc biệt phức tạp bởi vì Rolex áp dụng một hệ thống phức tạp để kiểm tra liệu nước có thấm vào đồng hồ.
Sau khi đặt đồng hồ vào bể nước, người ta đốt nóng chúng lên và một giọt nước lạnh được đặt lên mặt kính để kiểm tra xem liệu quá trình đông đặc có diễn ra. Sau đó một thiết bị cảm biến tiếp tục kiểm tra xác định khối lượng nước có thay đổi hay không. Ít hơn một trên một ngàn chiếc thất bại trong cuộc kiểm tra này! Với đồng hồ Deep Sea, khâu kiểm tra thậm chí còn khó khăn hơn. Rolex chế tạo một loại bể nước áp suất cao đặc biệt với COMEX để kiểm tra khả năng chịu áp lực ở độ sâu của mỗi chiếc Deep Sea. Những chiếc bể này trông như trong phim viễn tưởng – hãy tưởng tượng một thiết bị trông như súng máy nhiều nòng cổ điển. Chiếc máy mất hơn một tiếng để kiểm tra từng chiếc đồng hồ với áp suất tương tương độ sâu nước 12.000m.
8. Một đội quân hùng hậu những chuyên gia về đá quý ở Rolex
Người ta đồn rằng Rolex có những tiêu chuẩn hết sức khó khăn với những vật liệu mua từ bên ngoài, bao gồm kim loại cũng như các loại đá quý như kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo. Rolex phát triển một bộ phận nghiên cứu đá quý khổng lồ riêng, chịu trách nhiệm đặt chỉ tiêu mua, kiểm tra, sắp xếp cũng như xếp kim cương và đá quý lên những mẫu đồng hồ. Bộ phận này đảm nhận việc kiểm tra để biết đá quý là thật, độ tinh khiết, đường cắt và giá trị chính xác của chúng. Tia X được sử dụng để kiểm tra kim cương.
Báo cáo của Rolex cho biết trong một năm kiểm tra chỉ có 2 trong 20 triệu viên là giả. Một con số quá nhỏ đến mức chẳng bõ thời gian kiểm tra! Dù sao đi nữa, để đảm bảo chất lượng, Rolex vẫn phải kiểm tra từng viên kim cương một.
Mỗi viên đá quý dù lớn hay nhỏ trên đồng hồ Rolex đều được chọn và gắn bằng tay. Đối với những đồng hồ đắt tiền nhất, Rolex sử dụng quy trình kỹ thuật chế tạo giống như những loại trang sức tinh xảo nhất thế giới. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều thợ thủ công và hàng loạt kỹ thuật tinh tế đến thế trong một quy trình sản xuất mà nhiều người vẫn nghĩ là sản xuất đại trà.
9. Một năm cho mỗi chiếc đồng hồ Rolex
Một quảng cáo của Rolex nhiều năm trước cho biết, mất khoảng một năm để hoàn thành một chiếc đồng hồ. Thật đáng ngạc nhiên là khoảng thời gian sản xuất này vẫn như vậy cho đến ngày hôm nay. Sản xuất gần một triệu đồng hồ mỗi năm, nhưng thật ngạc nhiên, Rolex không muốn rút ngắn bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình chế tác. Tuy Rolex chú trọng vào chất lượng cũng như tính hiệu quả nhưng về cơ bản, toàn bộ hãng đều tập trung sản xuất những sản phẩm tốt nhất và không ngừng cải tiến để có thể làm tốt hơn nữa.
Nếu bạn nghiên cứu về sự thay đổi của những chiếc đồng hồ Rolex từ trước đến nay, bạn sẽ thấy chúng tiến hóa dần theo thời gian. Ý tưởng cải tiến thay vì thay đổi thể hiện đúng như thế trong quá trình sản xuất. Rolex luôn luôn tìm cách cải tiến chất lượng thông qua kỹ thuật tân tiến và quy trình chế tạo đột phá. Việc chuyển chất kết dính từ nhôm sang ceramic bezen là một ví dụ hoàn hảo. Tuy vậy, thời gian một năm kể từ khi bắt đầu chế tác linh kiện cho đến lúc kiểm tra độ chính xác cũng là điều quang ngại cho việc đội chi phí sản xuất, dẫn tới tăng giá thành sản phẩm.
Dĩ nhiên Rolex có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất với một số mẫu nhất định nếu cần thiết, nhưng mỗi chiếc đồng hồ lại có nhiều chi tiết được sản xuất nội bộ nên họ không thích rượt đuổi với thời gian. Một khi tất cả các chi tiết đã hoàn thành, chúng được lắp ghép hầu như hoàn toàn bằng tay rồi kiểm tra áp lực – quy trình kiểm tra và đảm bảo chất lượng hết sức nghiêm ngặt.
Một ví dụ dễ thấy là cách Rolex sản xuất mỗi mặt số đồng hồ. Tất cả đều được làm nội bộ, một trong những điều gây ấn tượng nhất là tất cả các bộ phận trên mặt số đều được ghép bằng tay. Ở các hãng khác, máy móc đảm nhiệm khâu này, nhưng Rolex tin rằng rằng mắt người dễ nhận thấy khiếm khuyết hơn. Vì vậy, từng chi tiết trên mặt số được đặt vào và cố định theo phương pháp thủ công. Mặt số được thả rơi từ độ cao 20cm để đảm bảo không chi tiết nào bị rơi ra. Đây là quá trình hết sức tỉ mỉ và mất thời gian – một trong số nhiều công đoạn được hoàn thành nhờ những người thợ lành nghề.
10. Mọi thứ đều là nội bộ
Khi đã biết tất cả những điều trên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nói rằng Rolex thích tự làm hầu như mọi thứ trên một dây chuyền phối hợp sản xuất. Hiện nay, chỉ có hai vật liệu chủ yếu mà Rolex không sản xuất là đá sapphire nhân tạo và đa số kim đồng hồ. Rolex sản xuất nội bộ vàng, đồng hồ, dây đeo tay, mặt số, gờ lắp kính… và mọi loại linh kiện khác với chất lượng, độ chính xác đến khó tin.
Không phải chỉ có Rolex mới trang bị nổi các máy móc hữu dụng nhất, nhưng Rolex khác biệt bởi hãng còn đầu tư vào quy trình chế tạo và kỹ thuật vốn là những bí mật thương mại. Giá trị thật bên trong nhà máy Rolex là những công cụ cộng với tri thức sản xuất – thứ mà không ai có thể sao chép được dù cho có mua được toàn bộ hệ thống máy.
Chế tạo nội bộ các chi tiết cho phép Rolex hoạt động độc lập. Những người yêu đồng hồ đồng ý rằng Rolex mang ý nghĩa như cả một ngành công nghiệp. Khó có ai yêu thích đồng hồ mà không biết Rolex là gì. Chính vì những điều trên chúng ta có thể hiểu tại sao Rolex không chỉ là hãng đồng hồ Thụy Sĩ thành công nhất mà còn là một trong những thương hiệu có trị giá nhất nhì trên thế giới.