Cách chỉnh ngày giờ đồng hồ đeo tay
CÁCH CHỈNH NGÀY GIỜ ĐỒNG HỒ ĐEO TAY
Đồng hồ có lịch chỉ ngày đều có chung một cơ chế: Đúng 24 tiếng sẽ nhảy lịch vào lúc 0 giờ (nói thế cho nó gọn, thực tế đa số đồng hồ sẽ nhảy vào khoảng 0g10 → 0g15.
Tùy theo loại đồng hồ việc chỉnh ngày có một số cách khác nhau, tuy nhiên có 3 cách chỉnh sau đây:
- Xoay kim giờ đủ 24 tiếng thì lịch nhảy.
- Chỉnh ngày bằng việc nhấn nút: Nhấn 1 cái nó nhảy 1 ngày.
- Chỉnh ngày kiểu 9 → 12 (xoay ngược kim chỉ giờ về số 9 rồi xoay trở lại số 12 lịch sẽ nhảy).
Đồng hồ có một ô lịch đang hoạt động bình thường (tất cả các kim đang chạy tới) khi muốn chỉnh giờ ta kéo núm ra và se tới se lui thoải mái không sợ hỏng (thiết kế máy đồng hồ cho phép như thế) có điều một số đồng hồ phổ thông một số bánh xe được làm bằng nhựa nên khi se thấy hơi cứng tay ta nên dừng lại để tránh bị trèo răng.
Với đồng hồ đeo tay có 2 ô lịch, khi chỉnh giờ tốt nhất là không quay ngược kim. Lò xo của bộ phận lịch khi đã hỏng thì rất khó sửa.
Chỉnh giờ, ngày nhanh cho đồng hồ có kiểu chỉnh ngày 24 giờ.
Thí dụ: Đồng hồ của bạn đã dừng vào lúc 9 giờ ngày 4/8/2012 nhưng bây giờ là 8 giờ ngày 24/12/2012. Bạn làm như sau:
- Rút núm điều chỉnh kim chỉnh giờ đến 12 giờ đêm cho đến lúc ô lịch nhảy lên ngày 5 thì dừng lại… (bạn nhớ lúc này sẽ là 0 giờ ngày 5/12/2012)
- Trả núm chỉnh giờ vào nấc chỉnh ngày và se cho lịch nhảy đến ngày 24/12/2012 (lúc này sẽ là 0 giờ ngày 24/12/2012.
- Trả lại nút vào nấc chỉnh giờ se tới 8 giờ sáng đóng nút lại là xong.
Điều chỉnh lịch: Trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau không nên điều chỉnh lịch đồng hồ. Tới 12 đêm lịch sẽ nhảy, nhưng bộ phận này vẫn duy trì trạng thái làm việc một lúc nữa, sau 2 giờ mới trở lại bình thường được. Nếu điều chỉnh lịch vào khoảng thời gian này sẽ ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong đồng hồ, dễ làm hỏng bộ phận lịch.
Cách để đồng hồ chạy bằng cơ qua đêm: Vào ban đêm, khi tháo đồng hồ ra, hãy đặt úp đồng hồ xuống, nhớ là lót ở dưới bằng một miếng vải mềm. Làm như thế để tránh lực ma sát tĩnh giữa các linh kiện bên trong, kéo dài tuổi thọ của đồng hồ.
Nói thêm về các lưu ý khác:
- Không sử dụng hoặc để đồng hồ ở nơi có nhiều từ trường.
- Luôn rửa đồng hồ bằng nước ấm (chú ý không dùng nước nóng bốc hơi tại vòi) ngay sau khi bơi biển (đối với đồng hồ được phép bơi lặn)
- Tránh để đồng hồ bị va đập mạnh, nên tháo đồng hồ khi chơi thể thao ngoại trừ đồng hồ chuyên dụng dành riêng cho thể thao.
- Luôn kiểm tra tình trạng của núm vặn, vị trí đúng là ở nấc trong cùng. Trong quá trình sử dụng núm rất dễ bị mắc vào chỉ áo hoặc những tác động khác mà bị kéo ra ngoài.
- Hàng tuần nên chùi rửa đồng hồ với nước ấm với xà-phòng để chải sạch bụi bẩn và muối đọng do mồ hôi tiết ra. Những bụi bẩn và mồ hôi muối chính là tác nhân gây ra nước vào trong đồng hồ.
- Không được sử dụng đồng hồ với hóa chất dễ làm hư hại dây, vỏ đồng hồ cũng như các chi tiết khác.
- Không để đồng hồ ở nơi có nhiệt độ cao quá 60 độ C (tương đương 140 độ F) hoặc những nơi thấp hơn 0 độ C (tương đương 32 độ F).
- Không sử dụng các nút bấm khi ở dưới nước đối với những đồng hồ nhiều chức năng.
(Nguồn: www.donghohanghieu.com sưu tập trên internet)