Mực bút máy

Mực bút máy

Mực bút máy


LỊCH SỬ MỰC BÚT MÁY

  • Mực nước được dùng cùng với bút sậy (Ai Cập) và bút lông (Trung Hoa) cách đậy đến 50 thế kỷ. Loại mực đó có thành phần chủ yếu là than dưới dạng bồ hóng hay muội đèn, dưới dạng huyền phù trong dầu thực vật, hoặc dạng keo động vật, giúp mực không bay hơi khi đã khô.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Cách đây 1700 năm, phương pháp chế tạo mực rắn dưới dạng thỏi, bánh của người Trung Hoa đã là một bước nhảy đáng kể. Khi cần mực để viết, chỉ việc cạo lấy một ít mực từ thỏi rồi hòa tan với nước. Đến tận bây giờ, loại mực này, cùng với cọ và bút tre, vẫn còn được sử dụng trong nghệ thuật thư pháp cổ truyền ở Đông Á, có trong những finely-made writing sets (hộp bọc gấm thêu đựng “văn phòng tứ bảo”). Sau đó, vào thế kỷ 11, người Trung Quốc phát triển phương pháp in bản kẽm với thứ mực đậm đặc hơn, và có lẽ có trước phương pháp in trượt của Johannes Gutenberg đến bốn thế kỷ.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Các thợ sao chép ở Âu châu thời Trung cổ rất chuộng giấy da cừu để lưu trữ văn bản, thế nhưng mực than lại lkhông “ăn” vào da do nhờn. Vì thế, vào khoảng thế kỷ 19, mực iron gall đã được đưa vào sử dụng. Loại mực này được chế tạo từ hỗn hợp tannic acid và muối sắt (Fe II Sulfat). Khi mực tiếp xúc với giấy da, một phản ứng hóa học chậm giữa acid và muối diễn ra, tạo thành một hợp chất màu sậm thấm vào da, nên chữ viết bám vào đó vĩnh viễn. Gum arabic (một loại thickener hòa tan) được thêm vào giúp mực chảy tốt hơn và bớt loang đi. Nếu chẳng may hỗn hợp này không dùng đúng lượng chất thì mực sẽ chứa nhiều acid ăn mòn ngòi bút – và tệ hơn nữa – ăn thủng nơi mực tiếp xúc với tấm da. Vấn đề này tiếp tục gây phiền phức cho những chuyên gia ghi chép tài liệu cổ và cả việc phục hồi những văn bản cổ thời.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Ở Âu châu, bút lông và mực iron gall là tiêu chuẩn cho việc viết tay trong suốt phần lớn thế kỷ 19, được sử dụng trong nhiều tác phẩm văn học và lịch sử quan trọng.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Giữa thế kỷ 19, vừa đúng lúc nền công nghiệp bút máy đang phất lên, thì loại mực chế tạo từ ammoniac trên cơ sở công nghệ nhuộm aniline bắt đầu xuất hiện; đây cũng là tổ tiên của hầu hết các loại mực hiện nay. Người ta có thể làm ra một dãy màu sắc chưa từng có từ loại mực này, và nó cũng ít ăn mòn giấy bút. Thế nhưng, thiếu sót của nó là dễ phai màu dưới ánh sáng mạnh và cũng dễ lem mực bởi hơi nước; cả màu sắc cũng không được đậm như mực in và mực vẽ.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Trong suốt thế kỷ 20, các nhà làm mực đã học cách tạo ra thêm các màu mới, như là thêm vào mực những chất mới như chất kháng nấm mốc, chất tẩy và nhiều chất làm đặc hiện đại để cải thiện phẩm chất và tuổi thọ sản phẩm. Những bình mực “cỡ cá nhân” tiêu biểu chứa 60ml. Cỡ bình lớn lỗi thời khi bút bi ra đời, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy loại thật to vintage bằng nhựa, thủy tinh, và thậm chí bằng gốm; và một số nhà sản xuất như Pelikan vẫn bền bỉ bán cỡ mực này.
  • Cây bút đầu tiên dùng mực ống được JiF Waterman (nhánh độc lập của hãng Waterman ở Pháp) đưa ra thị trường cuối thập niên 30 thế kỉ 20; từ đó mực ống trở nên phổ biến và được sử dụng trong phần lớn những loại bút hiện nay.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC MỰC BÚT MÁY

  • Thuốc nhuộm cho màu, có từ muối aniline, nhưng mực của một số hiệu (như J.Herbin) lại dùng thuốc nhuộm thực vật.
  • Ethylene glycol, glycerine, hoặc những chất xúc tác trung tính điều chỉnh độ sệt của mực. Đây là thành phần cốt yếu quyết định dòng mực chảy có tốt hay không.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Phenol hoặc chất chống nấm mốc sinh sôi trong mực.
  • Đôi khi có thêm chất phụ liệu điều chỉnh độ pH, tránh trường hợp bình mực bị ăn mòn dần từ bên trong.
  • Một số nhà sản xuất sẽ thêm hương thơm vào mực của mình, để nó thêm hấp dẫn, nhưng chỉ với một lượng mùi vừa đủ, không hề ảnh hưởng tới sự trơn chảy, tính ổn định hóa học và nồng độ acid của mực.

NÊN DÙNG/TRÁNH NHỮNG MÀU MỰC BÚT MÁY NÀO?

  • Các màu mực bút máy thông thường như đen, xanh đen, đen “thuần”, đỏ, turquoise, xanh lá, và nâu. Ngoài ra, còn có thêm màu xám, tím, cam và những màu phong phú khác nữa. Bạn có thể tìm được bất cứ màu nào mình yêu thích, ví dụ như màu Bleu Azur lạ lùng hiệu J.Herbin, nhạt đến nỗi khó thấy trên nhiều loại giấy. J.Herbin đã có một dải màu đa dạng nhất, và gần như tất cả đều phản ứng tốt với hầu hết bút (nên thận trọng không dùng loại mực chế tạo từ kim loại của J.Herbin, loại này chỉ dùng cho bút chấm mực – dip pen).

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (8)

  • Có những loại mực sẽ làm đổi màu plastic vĩnh viễn. Nếu bạn có một cây bút quý với thân bút trong suốt hay trong mờ (như Parker Vacumatic, Pelikan kiểu cũ hay một cây “demonstrator”) vẫn còn đẹp, thì… coi chừng. Nói chung, mực màu xanh và đen vẫn là chuẩn nhất; những màu như tím, đỏ, cam… có thể đổi màu rất nhiều ngay cả khi bị phơi sáng trong thời gian rất ngắn. Có một quy luật chung, là mực càng bão hòa màu cao thì dường như khả năng đổi màu càng cao.
  • Những người “thèm” mực có màu đen đậm hơn có thể dùng loại mực phân phối không thường xuyên như Platinum Carbon Black hay Pelikan Fount India; loại mực này sẽ không làm hỏng bút (dù có đôi khi mực chảy xuống rất nhanh, buộc phải lau chùi bút kỹ lưỡng sau mỗi lần sử dụng), và lúc khô thường có nét óng ánh như mực Nho.

GIẤY THẤM

  • Giấy thấm mực (blotter card) chỉ đơn giản là thứ giấy hút chất lỏng được, giúp thấm đi lượng mực còn lại khi vừa viết xong. Khi xưa, những tấm giấy thấm này in quảng cáo, hình minh họa, lịch, là một kiểu quà tặng tuy không đắt tiền nhưng lại khá thực tế. Thường bạn có thể tìm thấy những tấm giấy thấm ở những buổi triển lãm bút.
  • Cách sử dụng: 1) Dùng một tay ghìm chặt một góc giấy thấm xuống mặt giấy, tay kia chấm giấy vào những chỗ mực hãy còn ướt (không xê dịch tay); 2) Vẫn dùng một tan ghìm chặt giấy thấm, dùng tay kia quét nhẹ; 3) Bóc giấy thấm ra (chú ý giở lên thẳng góc với mặt giấy viết, không xê dịch).

 

CHỌN BÚT THÍCH HỢP

  • Những mực có màu sáng tương hợp tốt nhất với ngòi fine hoặc medium; nếu dùng cho ngòi broad hay italic thì chữ viết sẽ mờ và bị lốm đốm (có lẽ là do sự kết tủa không đồng nhất), nhưng cũng có khi mực này lại hợp với kiểu chữ viết của một số người. Mực sáng màu cũng có xu hướng không thể hiện đúng màu hoàn toàn, cho đến khi đã hoàn toàn khô.

 

“WASHABLE” VÀ “PERMANENT” NGHĨA LÀ GÌ?

  • Bạn sẽ thường bắt gặp những thuật ngữ này trên những bình mực cũ hơn hiện nay. Quả thật, những từ này mang ý nghĩa “mật hiệu” hơn là đặc tả tính chất thực tế. Mực “washable” là loại mực có thể dễ dàng tẩy rửa(sự thật thì tất cả những màu mực không phải đen đều ít gặp vấn đề gì khi làm sạch một khi đồ được giặt kỹ trong nước ấm). Mực “permanent” thường là mực màu đen hay xanh đen, gọi như thế là vì chúng được đặc chế với công thức chống phai màu khi bị phơi dưới ánh sáng trong khoảng thời gian liên tục.
  • Nên chú ý rằng “permanent” ở đây không hàm nghĩa “waterfast” (không nhòe khi gặp nước). Cả 2 loại mực trên đều nhòe. Nếu bạn muốn viết thứ gì đó mà tránh nhòe (như thư hoặc bì thư), có thể tráng bằng sáp nến, dùng loại keo xịt của họa sĩ, hay bao lại bằng phim trong.

NÊN DÙNG LOẠI MỰC NÀO CHO BÚT?

  • Nên chú ý đừng mua phải những loại mực chuyên dụng cho các loại bút khác (mực India, mực vẽ kỹ thuật, mực vẽ của họa sĩ) vì chúng có thể sẽ quá đậm hoặc quá loãng khi viết, hay có cặn làm nghẽn bút và làm hỏng hệ thống bơm mực. Thậm chí, một trong những loại mực này (đặc biệt là loại mực chế tạo bằng công thức cổ như mực iron gall nói trên đây) có thể ăn mòn những bộ phận của bút. Loại mực vô hình thường chứa nhiều acid như nước chanh và những thứ tương tự.

TÌM MUA MỰC BÚT MÁY Ở ĐÂU?

  • Bạn có thể đến hệ thống cửa hàng của www.donghohanghieu.com tại các địa chỉ sau hoặc đến hệ thống các nhà sách trên toàn quốc.

CÓ PHẢI DÙNG MỰC CÙNG HIỆU VỚI BÚT?

  • Có những nhà sản xuất tuyên bố sẽ hủy bỏ giá trị bảo hành bút nếu bạn sử dụng một loại mực khác hiệu. Đừng sợ! Bạn sẽ không ra bất cứ hư hỏng miễn là bạn sử dụng sản phẩm của các nhà chế tạo mực chuyên nghiệp như Private Reserve hay J. Herbin. Phải chắc chắn rằng cái bạn mua có dán nhãn “fountain pen ink”. Thận trọng những khi lau chùi bút, đặc biệt là lúc cất bút đi không sử dụng trong một thời gian dài.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (18)

CÓ THỂ SỬ DỤNG MỰC VINTAGE KHÔNG?

  • Được, nhưng phải nên cẩn thận. Tuy những nhà sản xuất mực hay tuyên bố rằng nên vứt đi những bình mực đã hơn 2 năm khôg sử dụng, thì nhiều người vẫn sử dụng những loại mực vintage có từ thập niên 30 thế kỷ 20 (thậm chí còn có sớm hơn nữa). Thêm vào đó, chẳng phải những tuyên bố này của nhà sản xuất là một mánh khỏe kinh doanh sao?
  • Những gì xảy ra với mực vintage là:
    • Nước bốc hơi, làm nồng độ chất nhuộm tăng lên và mực càng quánh đặc hơn, vì thế mực chảy không tốt nữa.
    • Mực bị bẩn (lên mốc), mà khi bạn trông thấy, là không muốn sử dụng nữa rồi.
  • Nếu mực vintage của bạn vẫn chưa bốc hơi hết, thì có thể pha loãng nó, và phải là nước cất (hoặc nước đun sôi rồi để nguội) để tránh thêm vào mực những tạp chất. Với tôi, thành thực mà nói, tuy dùng mực mực vintage có hơi mạo hiểm, nhưng lại đỡ rắc rối hơn là mua một bình mực mới nguyên.
  • Sau khi dùng hết mực vintage, hãy giữ lại bình mực: nhiều người vẫn sưu tập thứ này. Nếu không, bạn có thể đem đổi với những người muốn sưu tập để lấy thứ khác bạn thích.

CÓ THỂ PHA TRỘN MỰC ĐƯỢC KHÔNG?

  • Hai công ty có số lượng mực cung cấp phong phú nhất có ý kiến trái chiều nhau. J. Herbin có in lời khuyên trên mỗi vỏ hộp, rằng bạn đừng bao giờ thử pha trộn mực. Mực J. Herbin có thành phần cấu tạo đặc biệt hơn các hiệu mực khác, nên lời khuyên này âu cũng là hợp lý. Trái lại, Private Reserve thực lòng khuyến khích bạn nên thử nghiệm việc pha trộn mực, để tạo ra những màu mới (như chính họ cũng đã làm), thậm chí còn bán cả những ống tiêm, cốc, bình, v.v… hữu ích cho bạn khi pha trộn mực.
  • Pha trộn mực cũng khá hay, miễn là đừng xảy ra những phản ứng hóa học làm thay đổi trạng thái ban đầu của mực (điều này có thể xảy ra nếu độ pH của hai loại mực quá chênh lệch nhau). Nếu muốn cẩn thận hơn với hỗn hợp mình đã pha trộn, hãy dùng thử với bút chấm mực hay các cây bút loại thường. Cũng sử dụng mẹo này khi bạn muốn thử những loại mực mới lạ. Chỉ dùng mực với những cây bút quý, bút trong suốt với loại mực đã được kiểm nghiệm an toàn.

MỰC BÚT MÁY CÓ PHÂN LOẠI DỰA THEO ĐẶC TÍNH CHẢY HAY KHÔNG?

  • Câu trả lời là có. Nếu bạn muốn tìm một loại mực chảy nhanh (high viscosity), thì hãy thử J. Herbin, Sheaffer Skrip hay Parker Quink. Nếu muốn loại chảy chậm hơn, hãy thử mực Pelikan (series 1001) hoặc Private Reserve.
  • Chú ý rằng cách gọi ở đây hơi không chính xác: mực low-viscosity (chảy chậm) không nhất thiết phải đặc. Ví dụ như, mực Platinum Carbon Black trông thì rất đậm đặc, nhưng lại chảy nhanh khủng khiếp.

 

XEM MÀU MỰC Ở ĐÂU?

  • Hầu hết các loại mực đều có dán ngoài cho biết màu mực bên trong. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng những nhãn màu đó không đáng tin cậy lắm. Cả J. Herbin lẫn Private Reserve, Noodler’s hay đưa ra những bảng màu mực trên trang web của họ, bạn có thể tham khảo và đối chiếu các màu của các hiệu khác nhau.
  • Có lẽ, cách duy nhất để biết được một màu mực sẽ trông như thế nào khi viết ra, mà chưa từng thử qua hay mua, là xem các mẫu chữ viết thực sự. Grag Clark, cũng một người mê bút máy, đã bán một quyển sách độc đáo, có chứa những mẫu mực thực tế của hơn 300 loại mực có trên thị trường, được viết lên loại giấy cao cấp. Cuốn sách này cũng có chưa thông tin về độ pH, độ kháng nước (water resistance), tính chất phai màu dưới ánh sáng của mực. Cuốn sách trình bày khá công phu này (gần 40 đô la) rất đáng mua, và cần phải có đối với những người yêu bút mực.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ LẤY ĐƯỢC HẾT LƯỢNG MỰC CÒN SÓT LẠI TRONG BÌNH?

Các nhà sản xuất mực đã thử thiết kế nhiều kiểu dáng bình mực khác nhau:

  • Bình mực Sheaffer Skrip có một bộ phận gọi là “tip well” bên trong, ở gần miệng bình, nhưng nó lại quá nhỏ để nhúng đầu bút vào
  • Bình mực Waterman và Pelikan có thể nghiêng về một phía để bạn rút lấy lượng mực còn lại, nhưng cũng không cách nào mà lấy được hết.
  • Bình mực Visconti được thiết kế như hình dáng một cốc champagne, cho phép bạn nhúng bút vào dễ dàng bằng mọi cách và lấy mực ra được gần hết. Người Đức thực dụng cũng có một thiết kế lạ, bình mực Lamy có lỗ dưới đáy.
  • Bình mực thiết kế hình chiếc giày nổi tiếng của Montblanc cho phép bạn xoay ngược đầu lại cho mực tràn vào một lỗ nhỏ trong nắp.

Nhưng cuối cùng, vẫn còn lại từ 1 đến 2cc mực trong bình, dù cho bình mực có được thiết kế hay đến đâu cũng đều vậy. Bạn có hai lựa chọn: hoặc là đổ phần dư đó vào một bình mực khác có cùng màu và nhãn hiệu (dùng eyedropper nếu muốn cẩn thận hơn), hoặc chỉ đơn giản là… vứt đi.Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (2)

LÀM SAO MỞ NẮP BÌNH MỰC RA LẦN NỮA?

  • Mực là thứ chất dễ rò rỉ và bay hơi ra ngoài khi bình đựng bị mất nắp đậy, vì vậy việc đóng nắp là hành động phản xạ với nhiều người. Mực cũng dính vào bề trong nắp bình và dây lên cả miệng bình, rồi loang ra, đến khi khô lại thì tạo thành một thứ chất dính rất chắc. Đây là lý do tại sao nhiều bình mực khó mở kinh khủng chỉ sau một vài lần sử dụng. Cách hiệu quả nhất làm mất đi thứ “keo” ngoan cố đó là để nắp dưới vòi nước nhiệt độ thường, hoặc hơi ấm khoảng vài giây, để cho nước chảy vào trong nắp. Lau khô nắp, rồi dùng tay vặn.
  • Những nắp plastic mềm (như polyethylene), đặc biệt là những cái có khía và hằn sâu như bình Lamy và Private Reserve là loại dễ mở nhất. Trông chúng tuy không gợi cảm, nhưng lại làm đúng nhiệm vụ của mình. Còn bình mực hình chiếc giày của Montblanc, vì lớn và khía khá sâu, bạn có thể một tay kẹp lấy thân bình, và một tay vặn nắp mở ra.

CÓ NHỮNG THỨ KỲ QUẶC NẢY SINH TRONG BÌNH MỰC?

  • Mực có thể bị hư và nấm mốc sẽ sinh sôi trong đó (là những váng màu trắng xanh trông như bánh mì và bơ mốc). Tốt nhất khi thấy mực bị nấm mốc hay đổi màu, thì tốt nhất là bỏ đi. Nếu muốn tiết kiệm và tái sử dụng bình, hãy lau chùi kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước(thêm ít thuốc tẩy), súc kỹ để khô.

LÀM CÁCH NÀO RỬA MỰC ĐÃ DÍNH VÀO TAY?

  • Bị mực vấy bẩn, chứng tỏ bạn là một người mê bút máy. Dù trông hơi khó coi thật, những vết mực này không độc hại gì cả. Một số người cho biết tốt nhất là dùng xà phòng rửa tay, hoặc bạn hãy tìm Ink Nix, được công nhận là rất hiệu quả.

NẾU DÍNH VÀO QUẦN ÁO?

  • Khi mực dính vào vải thì lại là vấn đề lớn hơn. Ở đây, bạn có thể dùng một thứ gọi là Amodex, tẩy mực chuyên dụng. Bạn làm đổ mực ngoài đường khi chưa có Amodex? Tốt nhất hãy lấy đồ thấm càng nhiều mực càng tốt (và không làm loang ra) và gắng giữ cho những chỗ mực dây không bị khô đi (giữ mực ngưng chảy và thấm vào sợi vải). Bạn có thể thấm ướt những chỗ đó bằng soda hay dùng bình xịt, cũng có cùng công dụng với cách trên.

CHỌN MỰC CHO BÚT

  • Tất cả chúng ta đều uống rượu, dù ít hay nhiều, và phần lớn trong chúng ta cũng biết rằng các nghi thức như chạm ly không phải tự nhiên mà có.
  • Con người có 5 giác quan và muốn sử dụng cả 5 giác quan ấy vào việc thưởng thức những sản phẩm mà mình tạo ra – từ vật chất tới tinh thần, trong đó có rượu.
  • Rượu phải có màu đẹp (thỏa mãn con mắt), mùi thơm (thỏa mãn cái mũi), vị ngon (thỏa mãn cái lưỡi); ly/tách phải đẹp, cầm phải “sướng tay”. Và cuối cùng, để phục vụ nhu cầu của cái tai, người ta nghĩ ra việc chạm ly, tạo ra tiếng leng keng vừa thân ái vừa khiêu khích.
  • Tất nhiên không phải mọi thứ đều có thể thưởng thức bằng 5 giác quan, nhất là vị giác thường chỉ có thể sử dụng trong chuyện ăn uống, nhưng về cơ bản, con người luôn luôn tìm cách kích thích các giác quan đến mức cao nhất để “sướng”.
  • Ăn chơi hưởng thụ mà không “sướng” thì dẹp luôn cho đỡ mất thời gian. Điều đó đúng trong mọi thú chơi, kể cả chơi bút. Vấn đề chỉ là chơi thế nào cho “sướng” thật sự.
  • Mực là thứ không thể thiếu trong thú chơi bút. Tất nhiên rồi, không có mực thì bút lấy gì mà thể hiện chất lượng. Cây bút cốt ở cái ngòi, mà ngòi tốt hay dở chủ yếu nằm ở nét mực nó tạo ra, thế nên không có mực thì mọi chuyện chấm hết.
  • Giống như trong mỹ thuật, nét vẽ đẹp phải được tôn vinh bằng màu sắc (xin đừng hiểu nhầm rằng màu sắc tươi tắn mới đẹp vì tông màu trầm buồn có cái đẹp riêng), trong chuyện viết lách nói chung và mỹ tự pháp nói riêng, người ta cũng cố gắng dùng mực để tạo thêm cái hồn cho chữ.
  • Thế là càng ngày mực càng có nhiều màu sắc và “tính năng” khác nhau. Có loại chảy nhanh, có loại chảy chậm, có loại shading mạnh, có loại shading yếu, có những loại có thể pha trộn dễ dàng để tạo thành màu mới,…
  • Người viết có thêm lựa chọn để thể hiện mình trong mỗi nét chữ, người đọc thì được mãn nhãn khi nhìn vào trang giấy. Và thông điệp – nói phóng đại một chút – có hồn, có cảm xúc hơn.
  • Chẳng hạn, khi viết thư tình, toàn lời ngọt ngào lãng mạn thì những màu mực dịu dàng, thường là các màu tím (tượng trưng cho sự thủy chung – nghe có vẻ hơi sến), sẽ cho người ta nhiều cảm xúc hơn là một màu “chói lóa” kiểu như màu da cam hay xanh lá tươi.
  • Ngược lại, những ghi chép dài dòng, nhàm chán như sổ sách thì chắc chắn nên dùng mực đen sẫm, rõ ràng, mạnh mẽ và ít bay màu.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (21)

  • Một người thích chép thơ lục bát hẳn phải thích những sắc màu trầm lắng, ôn hòa. Nhưng người mê thơ tự do hiện đại nhiều khả năng sẽ muốn dùng màu sắc mạnh khi chép những câu yêu thích vào sổ tay.
  • Dĩ nhiên việc chọn màu gì, hãng nào không chỉ đơn thuần là vì lý do cảm xúc. Yếu tố kỹ thuật cũng rất, rất quan trọng.
  • Ở Việt Nam, màu xanh đen Waterman là một trong những màu mực phổ biến nhất. Nhưng những khách hàng khó chịu vì tình trạng bay màu vô tội vạ của loại mực này cũng phổ biến không kém, thậm chí còn hơn.
  • Mức độ phai màu của mực – đó là một trong những yếu tố được tính đến đầu tiên. Hãy tưởng tượng, bạn làm thơ tặng tình nương (hoặc tình lang), sau ba ngày bạn mới hoàn thành “tác phẩm” và gửi đi trong một phong thư dán tem kiểu truyền thống. Đến khi “đối tượng” mở ra thì những dòng chữ đã chẳng còn rõ là màu gì nữa. Có vẻ không được lãng mạn cho lắm!
  • (Ngay cả nếu chỉ ký hợp đồng thì bạn cũng khó mà vui được khi chữ ký bị mờ đến mức đem photo để công chứng thì chữ ký gần như không tồn tại)

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (218)

  • Một vấn đề nghiêm trọng khác là một số loại mực có khả năng “bám” lên lớp vỏ bằng nhựa trong suốt của những cây bút demonstrator, làm hỏng luôn câybút (nếu thay mực màu khác vào thì trông rất xấu và cũng không thể thấy dòng mực óng ánh bên trong thân bút như trước) – lưu ý rằng demonstrator phần lớn là phiên bản đặc biệt, giá thường đắt hơn nhiều so với phiên bản thường.

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (812)

  • Các loại mực kém chất lượng thì chảy quá nhanh, hoặc quá chậm, có khi lắng cặn trong bút, ăn mòn feed,…
  • Rồi còn có những bệnh ít nghiêm trọng hơn, nhưng không kém về mức độ gây khó chịu, như bleeding hay feather.
  • Đó là chưa kể đến việc các loại mực rẻ tiền có thể sử dụng hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe (đặc biệt nguy hại nếu cho trẻ em sử dụng).
  • Tóm lại, những người chơi bút máy thường sẽ ít nhiều chơi cả mực, và tất nhiên, cũng như bút, mực không nhất thiết phải là loại đắt nhất (nhưng chắc chắn không phải loại rẻ tiền).

Muc-but-may-Muc Montblanc - Muc Parker - Muc Waterman - Muc Sailor (ew8)

MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU MỰC THÔNG DỤNG

1/J. Herbin

Đây là một trong những tên tuổi lâu đời nhất về sản xuất mực và cũng là một trong những hãng có sản phẩm đặc biệt nhất.

J. Herbin không chỉ dựa vào quá khứ hào hùng với việc chế mực riêng cho vua nước Pháp mà còn rất được hâm mộ nhờ hiện nay nhờ các màu mực chủ yếu làm từ cây cỏ – mà hãng này tuyên bố là có thể uống được.

Với gần 30 màu và giá tương đối mềm, giao động từ khoảng $10-$15 mỗi bình 30ml, đây là một nhãn hiệu đáng xem xét, nhất là khi mực của hãng thường ít bị bay màu (trừ những màu vốn đã quá nhạt hoặc quá rực rỡ).

Điểm mạnh:
– An toàn
– Rẻ
– Bền màu
– Nhiều màu sắc
– Tên hay

(Mực của J. Herbin đều được đặt tên rất hay, chẳng hạn như có một màu tím được đặt tên là Poussierre de Lune, có nghĩa là Bụi Trăng)

Điểm yếu:
– Bình đựng không được đẹp lắm (nhưng đóng gói giấy bọc thì như một hộp quà, nhìn mê tơi luôn)
– Chỉ có loại 30ml
– Phiên bản đặc biệt hơi đắt
– Chảy quá nhanh khi dùng với bút chấm mực

2/ Pelikan

Pelikan nổi tiếng về sản xuất bút máy, nhưng cũng sản xuất mực được nhiều năm.

Hiện nay, Pelikan có hai dòng mực chính cho bút máy là P4001 và Edelstein trong đó Edelstein (nghĩa là đá quý) là dòng cao cấp.

Giá mực Edelstein thường giao động trong khoảng $16-25, mực P4001 bằng khoảng một nửa nhưng chất lượng thua kém khá nhiều.

Điểm tệ nhất của Pelikan là quá ít lựa chọn về màu sắc. P4001 mặc dù mang tiếng là có dăm bảy màu nhưng thực tế chỉ có 2 màu phổ biến nhất là Royal Blue và Violet, trong đó màu xanh bay màu rất nhanh, màu tím ngược lại, có thể coi là “ngon, bổ, rẻ”. Màu đen P4001 ít phổ biến hơn nhưng cũng có mặt ở Việt Nam và cho thấy chất lượng rất tốt, màu cực kỳ đậm và bền.

Mực Edelstein khó tìm hơn dù cũng có, màu bền hơn và shading tốt hơn. Có thể đánh giá tóm tắt Edelstein như sau:

Điểm mạnh:
– Màu sắc đẹp, shading khá tốt
– Bền màu
– Bình khá đẹp, chữ in thẳng lên thủy tinh

Điểm yếu:
– Giá không thực sự hấp dẫn
– Quá ít lựa chọn màu sắc
– Bình mực hơi nhẹ

3/ Iro-shizuku (Giọt màu / Iro = màu, shizuku = giọt [nước/sương])

Đây là thương hiệu mực cao cấp của Pilot/Namiki và có thể coi là niềm tự hào của mực Nhật Bản. Với 3 màu vừa được bổ sung, Iro-shizuku không kém J. Herbin chút nào về số màu cho khách hàng lựa chọn.

Đây cũng là một trong những loại mực chảy tốt nhất trên thị trường hiện nay. Mực rất ít phai màu, hầu như không bị các bệnh như feather hay bleading, shading vào loại tuyệt hảo,…

Bình đựng không có chữ in thẳng lên thủy tinh mà dán nhãn giấy cao cấp, rất nặng (cầm trĩu tay), có thể thay một chiếc chặn giấy, đường nét đơn giản nhưng tinh tế, ít nhiều gợi ra hình ảnh một chiếc bao kiếm, khiến người ta tò mò muốn biết cái bên trong.

Rất tiếc là giá của nó thì không mềm chút nào. Giá bán lẻ tại cửa hàng thường là $45-50 mỗi bình 50ml. Giá trên mạng có thể xuống dưới $30 nhưng vẫn là rất cao so với các nhãn hiệu khác.

Điểm mạnh:
– Rất nhiều lựa chọn
– Màu đẹp
– Rất ít phai, ít “bệnh”
– Tên hay, gắn với thiên nhiên (Đêm Trăng, Nho Dại, Rừng Tre, Mưa Bụi,…)
– Bình đựng gần như không đối thủ

Điểm yếu:
– Quá đắt
– Khó mua

4/ Waterman / Paker

Hai nhãn hiệu này nổi tiếng ở Việt Nam về bút, và cũng chỉ nổi tiếng vì sự thiếu hiểu biết của người Việt là chính.

Cả hai hãng đều có một số sản phẩm mực nhưng vì không chuyên về mực và cũng không đầu tư mạnh nên chất lượng cũng ở mức khiêm tốn (và vì vậy tạm thời được gộp chung).

Vấn đề quan trọng nhất của mực Waterman và Paker là họ có vẻ chỉ nhắm đến những đối tượng rất dễ dãi trong việc chọn mực nên không đưa ra nhiều lựa chọn về màu sắc, màu cũng không có gì xuất sắc và các màu xanh bị phai rất mạnh (có lẽ mạnh nhất là màu Blue Black của Waterman).

Điểm mạnh:
– Giá rẻ
– Dễ mua

Điểm yếu:
– Chất lượng trung bình
– Một vài màu mực phai quá nhanh và quá mạnh

5/ Platinum

Thêm một hãng bút từ xứ Phù Tang.

Platinum không nổi tiếng về mực theo cách của Iro-shizuku hay J. Herbin nhưng họ có một sản phẩm cực kỳ đáng quan tâm là bộ mực Free Mix (trộn tự do) với một số màu cơ bản. Giá cũng khá hợp lý, khoảng $20 cho bộ cơ bản này.

Bên cạnh đó họ cũng cung cấp một số dụng cụ phụ trợ cho việc pha mực.

Điều đáng tiếc là có lẽ còn lâu mực của Platinum mới nổi tiếng như bút của họ (thực ra cũng không tiếng tăm lắm bên ngoài nước Nhật) và họ – không biết vì lý do gì – không chọn cho mực của mình những cái tên hay (trong khi bút thì có vài sản phẩm rất “yêu nước” như hai chiếc demonstrator mới là Motosu và Shoji, được đặt tên theo hai trong số năm hồ nước xung quanh núi Phú Sĩ).

Điểm mạnh:
– Khả năng pha trộn tự do
– Khá nhiều màu sắc
– Dụng cụ hỗ trợ

Điểm yếu:
– Khó mua

6/ Diamine

Một hãng mực hoành tráng về số màu sắc đóng tại thành phố cảng Liverpool. Nói về số lựa chọn màu mực thì Diamine gần như “ngửa mặt than trời, hận đời vô đối”. Tuy nhiên, đó cũng là một vấn đề: người mua không biết nên chọn màu nào trong số… 95 màu mà hãng này cung cấp (nhiều khả năng sẽ sớm tăng lên thành 3 chữ số).

Về màu sắc, đôi khi mực Diamine có vẻ giống màu vẽ hơn là mực bút máy nhưng nhìn chung được đánh giá khá cao, ít nhất là về màu của mực.

Một điểm mạnh nữa của Diamine là giá cả. Mỗi bình 80ml (gấp rưỡi Iro-shizuku) giá trong khoảng $12-$15. Có vẻ như một món hời đây !

Điểm mạnh:
– Rất nhiều lựa chọn màu
– Màu đẹp
– Giá phải chăng

Điểm yếu:
– Shading vừa phải (tùy màu và tùy sở thích của mỗi người)
– Quá nhiều màu
– Khó mua

7/ Private reserve

Cũng là một thương hiệu được nhiều người ưa thích với 38 màu mực khác nhau và 3 màu “khô nhanh”.

Giá mực Private Reserve không cao, Melpens niêm yết $13 mỗi bình 50ml, như vậy là gần tương đương J. Herbin.

Một trong những hạn chế chính là bình mực của hãng này có vẻ khá đơn sơ trong khi màu sắc không thực sự nổi bật so với các đối thủ. Hãng cũng cung cấp các dụng cụ pha trộn cho người thích thử nghiệm.

Điểm mạnh:
– Nhiều lựa chọn
– Mực khô nhanh
– Giá vừa phải
– Có dụng cụ pha mực

Điểm yếu:
– Không thực sự nổi bật về mặt nào
– Khó mua

8/ Noddler

Một trong những hãng sản xuất mực đáng chú ý hiện nay, nổi tiếng với mực siêu bền, thậm chí là “chống đạn” (bulletproof), thực dụng đúng kiểu Mỹ.

Giá là một điểm mạnh khác của thương hiệu này, khoảng $12 cho mỗi bình 3oz (~ 90ml).

Điểm mạnh:
– Rất bền màu
– Giá rẻ
– Bình mực lớn

Điểm yếu:
– Màu sắc không có gì đặc biệt
– Khó mua


9/ Lựa chọn cá nhân:

J. Herbin và Iro-shizuku là hai nhãn hiệu mà cá nhân em thích nhất.

Iro-shizuku có thể dùng tốt trên các loại bút chấm mực trong khi bình đựng thì không có gì để chê. Mặc dù hơi đắt nhưng màu sắc của dòng mực này có thể làm bất kỳ ai hài lòng và rất phù hợp để bơm vào những cây bút demonstrator đắt tiền.

J. Herbin mạnh về một số màu trầm lắng, lãng mạn, giá mềm hơn và có bút lông ngỗng cũng như sáp để niêm phong thư rất tuyệt vời. Họ cũng có nhiều loại ngòi dùng cho mỹ tự pháp và thỉnh thoảng tung ra các loại mực đặc biệt (limited version).

Pelikan / Edelstein cũng là một lựa chọn tương đáng cân nhắc, nhất là ở Việt Nam. Màu tím Violet của dòng P4001 là một trong những sản phẩm có lẽ là “ngon, bổ, rẻ” nhất trên thị trường hiện nay.

 

Share this post