Vì sao đồng hồ lại có giá rất cao?
Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, vì sao những chiếc đồng hồ lại có những mức giá thượng vàng, hạ cám như vậy?
Từ trước tới nay, nếu có điều kiện theo dõi những mẩu tin tức về những chiếc đồng hồ xa xỉ từ những thương hiệu chỉ dành cho giới thượng lưu, chắc chắn sẽ có đôi lần bạn phải giật mình vì cái giá mà bạn phải bỏ ra để sở hữu những món đồ nằm gọn trong lòng bàn tay ấy. Đơn cử, một chiếc Rolex loại rẻ nhất bạn có thể tìm trong những cửa hàng xa xỉ thường có giá 5.000 USD (100 triệu Đồng).
Những thương hiệu khác đại loại như TAG Heuer thì có thể rẻ hơn, nhưng cũng ít khi có mác giá dưới 1.000 USD. Cá biệt, có những mẫu đồng hồ từ những nghệ nhân nổi tiếng thế giới như Patek Philippe đôi khi yêu cầu bạn phải là một tỷ phú để có thể chạm tay vào những sản phẩm của họ.
Vậy có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, vì sao những chiếc đồng hồ lại có những mức giá thượng vàng, hạ cám như vậy? Trong khi một chiếc Casio thông thường chỉ có giá 100 ngàn Đồng, thì một chiếc đồng hồ khác lại có cái giá của một chiếc xe hơi? Dưới đây là một vài lý do.
Khó sản xuất
Ngắn gọn thì là như vậy. Cụ thể hơn, việc phác thảo cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ, một trong những phát minh phức tạp bậc nhất của loài người không phải là việc ngày một ngày hai. Bắt đầu với việc lựa chọn “máy” (movement) cho chiếc đồng hồ, những người thợ cơ khí sẽ phải làm việc sao cho hệ thống bên trong phải vừa làm việc hiệu quả, lâu dài, vừa phải đảm bảo tính thẩm mỹ của mỗi thiết kế đồng hồ. Dù sao, bên cạnh nhiệm vụ chính là thông báo thời gian, chiếc đồng hồ đã trở thành một vật trang sức với bất kỳ ai.
Ngày nay, những chuyên gia cơ khí của những thương hiệu đồng hồ lớn sử dụng những phần mềm chuyên dụng để “dựng” mô hình sản phẩm đang trong giai đoạn phát triển. Đối với những mẫu đồng hồ với hệ thống phức tạp, ví dụ như thêm hệ thống bấm giây, tính toán tuần trăng hay sử dụng những bộ truyền động phức tạp đại khái như tourbillon (một dạng quả lắc hồi chuyển) chẳng hạn, thì quá trình phác thảo ra mẫu đồng hồ sẽ diễn ra trong vài tháng, thậm chí vài năm.
Đó mới là những bước đầu tiên. Kế đến là việc chế tác. Mỗi chiếc đồng hồ xa xỉ, với yêu cầu kỹ thuật cao sẽ cần vài ngày tới vài tháng để lắp đặt. Trong đó, những quá trình tách biệt như xử lý chất liệu và vật liệu cần có sự tỉ mỉ của những nghệ nhân. Và thông thường, những chiếc đồng hồ đắt nhất thường luôn được làm bằng tay trong mọi công đoạn.
Những nghệ nhân sẽ dành hàng chục, hàng trăm giờ đồng hồ để thao tác với những bánh răng, những hệ thống máy đồng hồ qua những chiếc panh siêu nhỏ và chiếc kính lúp gắn trên mắt của họ. Chỉ một cú lệch tay là công sức làm việc hoàn toàn có thể đổ sông đổ bể.
Việc chế tác như thế này dẫn tới một điều: Cầu luôn luôn lớn hơn cung, rất nhiều lần. Thời gian đòi hỏi để hoàn thành một chiếc đồng hồ, chất lượng cũng như giá trị của chúng cũng như nhu cầu thị trường cho phép các thương hiệu hét những cái giá trên trời. Tiền thương hiệu một phần cũng phát sinh từ đây.
Linh kiện không hề rẻ
Đó là trong trường hợp chiếc đồng hồ sử dụng bộ truyền động cơ chứ không phải bộ truyền động (từ đây sẽ tạm gọi là movement) bằng tinh thể thạch anh (sử dụng pin). Những thương hiệu lớn tự sản xuất ra movement của riêng họ. Những cái tên nhỏ hơn thì hoặc tự sản xuất, hoặc sẽ đi nhập movement từ một đơn vị sản xuất khác.
Ví dụ, chiếc đồng hồ Jorg Gray, chiếc đồng hồ đã quá nổi tiếng trên tay vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, Barack Obama chọn cách nhập khẩu movement từ Thụy Sỹ, những tên tuổi khiến mọi người, kể cả những người mù tịt về đồng hồ cũng tạm an tâm về chất lượng.
Nếu làm một phép so sánh, thì một bộ truyền động bằng thạch anh đến từ Nhật Bản có cái giá 10 đến 20 USD, trong khi một movement cơ loại rẻ nhất đến từ xứ sở đồng hồ có giá 250 USD. Thậm chí, chỉ riêng một đơn vị movement dành cho những chiếc đồng hồ xa xỉ cũng có giá 10.000 USD. Chưa kể, những nghệ nhân thực thụ thường luôn rất tỉ mỉ trong công việc của họ. Họ có thể vứt đi cả một hệ thống movement cả ngàn Đô nếu có một chi tiết nhỏ không vừa ý.
Đó là lý do thứ hai.
Tiền thương hiệu và tiền “làm sang”
Điều này rất giống với việc bạn mua một chiếc điện thoại tầm trung của HTC hay Sony, trong khi với cái giá đó, những lựa chọn khác như LG, Sky Vega hay HK Phone đều không hề thiếu, với cấu hình mạnh hơn rất nhiều so với những cái tên lớn được nhiều người biết tới.
Những cái tên lâu đời đến từ Thụy Sỹ đã có cả vài thế kỷ để tạo dựng thương hiệu, chiếm được chỗ đứng trong lòng thị trường và thậm chí là định hình cả một xu hướng thời trang của con người trong một khoảng thời gian dài.
Một khi đã đứng vào danh sách những thương hiệu xa xỉ, nghiễm nhiên những cái tên như Vacheron Constantin hay Richard Mille sẽ là điều hiện ra đầu tiên trong đầu những người thành đạt đang có nhu cầu kiếm cho mình một món trang sức đắt tiền. Những chiếc đồng hồ với dây đeo bằng vàng, da thật được chế tác công phu, với bề mặt không tìm nổi một tì vết bao giờ cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ giàu sang của giới thượng lưu.
Chưa kể, khi bỏ ra số tiền khổng lồ để sở hữu một chiếc đồng hồ đẹp, chắc chắn ai cũng phải có đôi chút tự hào. Đặc biệt là khi những người xung quanh bạn biết cái giá chiếc đồng hồ bạn đeo trên tay, và rồi một nửa tỏ vẻ ghen tị, số còn lại thì ngưỡng mộ bạn. Việc bỏ ra cái giá đó đôi khi cũng đem lại đôi chút sung sướng cho bạn, vì thế hầu hết thời gian, bạn sẽ chấp nhận con số mà những thương hiệu đưa ra, cho dù đôi khi chúng nghe thật nực cười và khó tin.