Lịch sử thương hiệu đồng hồ Citizen

Lịch sử thương hiệu đồng hồ Citizen

Bằng cách nào mà từ một thử ngiệm nhằm chế tạo một chiếc đồng hồ bỏ túi của một người thợ kim hoàn ở Tokyo 84 năm trước đã dẫn tới sự hình thành nên một tên tuổi khổng lồ trong giới sản xuất đồng hồ thế giới đồng hồ Citizen hiện nay

Vào những năm 1920, vị Nhật Hoàng trẻ tuổi Hirohito đã nhận được một món quà mà theo ghi chép lại đã khiến ngài rất phấn khích. Món quà đó là của Kamekichi Yamazaki, một người thợ kim hoàn ở Tokyo, người có tham vọng chế tạo những chiếc đồng hồ bỏ túi tại Nhật Bản.

Thị trường đồng hồ Nhật Bản thời kỳ đó bị thao túng bởi các hãng đồng hồ ngoại quốc, chủ yếu là các công ty của Thụy Sỹ, tiếp sau là của Mỹ như Waltham và Elgin. Yamazaki cảm thấy đã đến lúc phải bắt đầu sản xuất những chiếc đồng hồ được chế tạo trong nước có giá thành thấp hơn hàng nhập khẩu. Để thực hiện quyết tâm của mình, năm 1918, Yamazaki đã thành lập Viện Nghiên Cứu Đồng Hồ Shokosha tại quận Totsuka ở thủ đô Tokyo. Sử dụng các thiết bị máy móc của Thụy Sỹ, Yamazaki và các cộng sự đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất những chiếc đồng hồ bỏ túi.

Cuối năm 1924, họ bắt đầu thương mại sản phẩm đầu tiên của mình, chiếc đồng hồ bỏ túi sử dụng loại máy Caliber 16, mà họ bán với cái tên Citizen.

Tên này là do Thị trưởng Tokyo Shinpei Goto, một người bạn của Yamazaki, nghĩ ra. Khi nhà chế tạo đồng hồ mới vào nghề Yamazaki còn đang tìm kiếm một cái tên cho sản phẩm của mình, ông đã hỏi Goto để có thêm những ý tưởng. Goto đã gợi ý cái tên CITIZEN. Goto giải thích, một chiếc đồng hồ ở một góc độ nào đó, là một món đồ sang trọng, nhưng Yamazaki lại đang hướng tới mục tiêu sản xuất ra những chiếc đồng hồ có giá thành hợp lý. Khi gợi ý cái tên này, Goto hy vọng rằng mọi người dân sẽ được hưởng lợi và yêu thích những chiếc đồng hồ được phát triển bởi Viện Nghiên Cứu Đồng Hồ Shokosha.

Portraits

Đó chính là câu chuyện tại sao cái tên Citizen trở thành một thương hiệu đồng hồ. Món quà dành tặng cho Nhật Hoàng là một trong những chiếc đồng hồ đầu tiên, được làm theo phong cách châu Âu với vương miện xoay ở vị trí 12h, số Arabic cỡ lớn và một mặt đồng hồ phụ ở vị trí 6h.

Citizen Caliber 16

Nhật Hoàng tất nhiên là có rất nhiều đồng hồ, nhưng có rất ít hay có thể nói là không có chiếc nào được sản xuất tại Nhật Bản. Người ta kể lại rằng ngài đã hài lòng như thế nào bởi vì kể từ nay, ngài không còn phải  dựa vào những chiếc đồng hồ của ngoại quốc để xem giờ nữa, và kể từ nay Nhật Bản đã có thể tự sản xuất được những chiếc đồng hồ của riêng mình. Nhật Hoàng sau đó đã viết một bức thư gửi tới Viện Shokosha, khen ngợi sự chính xác và chất lượng của chiếc đồng hồ.

Mặc dù Nhật Hoàng rất hài lòng với chiếc đồng hồ Citizen của mình, nhưng lúc đó sẽ thật là ngớ ngẩn nếu cho rằng một ngày nào đó, Nhật Hoàng có thể chứng kiến Nhật Bản trở thành nước sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới và Citizen trở thành một trong những công ty sản xuất đồng hồ dẫn đầu thế giới.

Nhưng điều kỳ diệu đó đã thực sự xảy ra. Năm 1981, khi Nhật Hoàng Hirohito vẫn còn đang tại vị, Nhật Bản đã lật đổ Thụy Sỹ trở thành một thế lực sản xuất đồng hồ hàng đầu và vào năm 1984, khi công ty Citizen Watch Co, tiền thân là Viện Nghiên Cứu Đồng Hồ Shokosha, đã sản xuất vượt qua mọi công ty đồng hồ khác trên thế giới.

Đây là câu chuyện về sự vươn lên của Citizen, từ một thử nghiệm nhỏ để chế tạo đồng hồ bỏ túi đã trở thành một tên tuổi chính trong cuộc cách mạng đồng hồ điện tử (quartz) làm rung chuyển giới đồng hồ thế giới vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước và đạt tới vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo đồng hồ quartz như ngày nay. Năm 2001, Citizen đã sản xuất 308 triệu chiếc đồng hồ và máy đồng hồ, một con số đáng kinh ngạc, chiếm ¼ số lượng đồng hồ được sản xuất trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa rằng cứ bốn chiếc đồng hồ và máy đồng hồ được làm ra trên thế giới thì có một chiếc của Citizen. Citizen đã thực hiện được giấc mơ của Kamekichi Yamazaki là chế tạo những chiếc đồng hồ dành cho tất cả mọi người, một giấc mơ mà ngay cả Yamazaki có lẽ cũng chưa bao giờ có thể tưởng tượng được.

Khởi đầu thuận lợi

Kamekichi Yamazaki là một trong số những doanh nhân sản xuất đồng hồ xuất hiện với số lượng khá nhiều ở Nhật Bản và thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20.  Ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của Nhật Bản vẫn còn rất non trẻ. Trong khi Nhật Bản đã nắm vững được kỹ thuật sản xuất đồng hồ treo tường vào những năm 1880 thì đồng hồ bỏ túi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Năm 1894, có nhiều nhà sản xuất đồng hồ ở Tokyo, Osaka, Kyoto và Nagoya sản xuất ra hơn 200 000 chiếc đồng hồ, nhưng Nhật Bản vẫn chưa thể tự chế tạo riêng một chiếc đồng hồ.

Hoshimi Uchida, một giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử ngành công nghiệp Nhật Bản và là tác giả của cuốn sách biên niên về lịch sử đồng hồ và đồng hồ đeo tay của Nhật Bản, đã giải thích: “Việc sản xuất đồng hồ hàng loạt đòi hỏi kỹ thuật khó khăn hơn rất nhiều so với việc sản xuất đồng hồ thông thường. Những chiếc đồng hồ với những chi tiết máy phức tạp như: bánh thăng bằng, dây cót, cơ chế lên dây, dây tóc, ngựa, các kiểu cầu với hình dáng khác nhau … đòi hỏi phải có những máy móc phức tạp sử dụng những công cụ chuyên môn đặc biệt, nhỏ hơn nhiều lần so với những máy móc hay dụng cụ được sử dụng để làm những chiếc đồng hồ thông thường. Những máy móc cần thiết để chế tạo và sản xuất ra những chi tiết đồng hồ thường rất đắt, rất thiếu và khó mua được.

Công ty Nhật đầu tiên đã nỗ lực sản xuất đồng hồ là Osaka Watch Inc. Đây thực sự là một cố gắng rất dũng cảm. Công ty Osaka đã nhập khẩu 2 thiết bị chế tạo đồng hồ từ Mỹ và thuê 8 chuyên gia người Mỹ và 2 chuyên gia người Anh. Năm 1895, công ty đã sản xuất được chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên của Nhật, sau này được biết đến với tên gọi “đồng hồ sakameri (một sự kêt hợp giữa hai từ “Osaka” và “American”). Nhưng lĩnh vực chế tạo đồng hồ thực sự đầy thử thách và công ty Osaka đã đóng cửa vào năm 1902. Công ty Nippon Pocket Watch Manufacturing, một công ty khác bắt đầu chế tạo đồng hồ vào cuối những năm 1890, cũng đã chịu chung số phận.

Trong vòng hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, bạn có thể đếm được số các công ty Nhật sản xuất đồng hồ bằng số ngón tay trên một bàn tay. Ví dụ như Seikosha, tiền thân của nhãn hiệu Seiko ngày nay. Được thành lập tại Tokyo vào năm 1893 bởi Kintaro Hattori, một người buôn đồng hồ và đồng hồ đeo tay. Công ty Seikosha đã bắt đầu sản xuất đồng hồ bỏ túi vài năm sau công ty Osaka. Theo giáo sư Uchida, công ty Seikosha đã không có lãi khi sản xuất đồng hồ đeo tay (sản phẩm mang lại lợi nhuận cho hãng là đồng hồ treo tường) cho đến tận năm 1911, tức là 15 năm sau kể từ khi công ty bắt đầu sản xuất loại đồng hồ này.

Bước ngoặt đối với ngành sản xuất đồng hồ còn non trẻ của Nhật Bản là cuộc Đại Chiến Thế Giới lần thứ nhất. Cuộc chiến đã tạo nên một sự bùng nổ về kinh tế tại Nhật Bản, kích thích sự phát triển của tầng lớp trung lưu Nhật và nhu cầu đối với những chiếc đồng hồ đeo tay lên cao chưa từng thấy. “Đồng hồ và đồng hồ đeo tay là những hàng hóa tiêu dùng có thời gian sử dụng lâu bền, theo phong cách phương Tây đầu tiên trong xã hội hiện đại Nhật Bản thời kỳ đó”, giáo sư Uchida viết. Khi nhu cầu dành cho đồng hồ đeo tay tăng cao, những công ty mới đã nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ. Công ty Seikosha của Hattori bắt đầu gặp phải sự cạnh tranh. Cho đến năm 1920, có 6 công ty sản xuất đồng hồ. Đến năm 1922, con số này đã lên thành 15.

Trong số những công ty mới tham gia thị trường này có nhà máy Shokosha của Kamekichi Yamazaki. Chúng ta biết được điều này bởi vì một cuộc thi đồng hồ bỏ túi đã diễn ra tại Hội chợ Triển lãm Tưởng niệm hòa bình tại Tokyo năm 1923. Đây là một dấu hiệu báo trước thú vị về một trận chiến ác liệt trong lĩnh vực đồng hồ diễn ra nửa thế kỷ sau đó. Những chiếc đồng hồ bỏ túi của hai nhà sản xuất Nhật Bản đấu với những chiếc đồng hồ bỏ túi của hai nhà sản xuất ngoại quốc, một từ Thụy Sỹ, và một từ Hoa Kỳ. Đây thực sự là một cuộc đọ sức giữa chàng David nhỏ bé và người khổng lồ Goliath.

Hai nhà sản xuất Nhật Bản đó là Seikosha (Seiko) và Shokosha (Citizen). Citizen rõ ràng là đang ở vị trí của David. Còn Seikosha (Seiko) lúc đó đã sản xuất đồng hồ 27 năm và là nhà sản xuất đồng hồ đeo tay hàng đầu Nhật Bản và đã bắt đầu xuất khẩu đồng hồ tới Đông Nam Á. Ngược lại, Shokosha (Citizen) chỉ mới xuất hiện có 5 năm và còn chưa bán ra thị trường một chiếc đồng hồ nào.

Cả hai công ty của Nhật Bản đều chỉ là những chàng David bé nhỏ khi so sánh với hai công ty Nardin Chronometer của Thụy Sỹ và Waltham của Mỹ. Trong những năm 1920, Thụy Sỹ và Hoa Kỳ là hai thế lực sản xuất đồng hồ thống trị thế giới.

Những chiếc đồng hồ được kiểm tra trong vòng 3 ngày tại Tokyo Higher Technical School bởi những giám khảo độc lập người Nhật. Chín chiếc đồng hồ với nhiều tên gọi khác nhau của Seikosha và ba chiếc hiệu Citizen của Shokosha đã được kiểm tra để đọ sức với những chiếc đồng hồ của Nardin và Waltham. Điều ngạc nhiên đã không xảy ra, các đồng hồ Nhật Bản đã bị đánh bại hoàn toàn bởi các đối thủ ngoại quốc. Các giám khảo đã ghi trong bản báo cáo cuối cùng rằng các đồng hồ của Nhật Bản đều ở dưới các tiêu chuẩn của nước ngoài. “Một số đồng hồ có độ sai lệch tới 3 phút/ngày và gặp nhiều lỗi”. Đó là một ví dụ chú thích kết quả của giám khảo khi đồng hồ được kiểm tra ở vị trí thẳng đứng với vương miện hướng lên trên. Độ sai lệch giờ trung bình hàng ngày của các đồng hồ ngoại quốc là chậm 4 giây/ngày. Những đồng hồ của Seikosha chậm từ 6 – 62 giây. Các đồng hồ của Citizen chậm 48 giây.

Những chiếc đồng hồ Nhật Bản không thể giành chiến thắng trước các đối thủ ngoại quốc không phải là điều đáng ngạc nhiên. Thụy Sỹ và Mỹ đã vượt xa hơn nhiều so với Nhật Bản về công nghệ đồng hồ đeo tay. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Citizen đã vượt lên trên cả Seikosha. Điều này đã làm ngạc nhiên các vị giám khảo Nhật Bản, theo lời giáo sư Uchida. “Khi so sánh những sản phẩm của Seikosha với những chiếc đồng hồ bỏ túi của đối thủ mới Citizen, rõ ràng là kỹ thuật và khả năng sản xuất của Seikosha không phải là đã cao hơn”.

Kamekichi Yamezaki hẳn là đã phải rất hài lòng với màn trình diễn của những chiếc đồng hồ của mình. Những chiếc đồng hồ mới của Citizen là những đứa trẻ mới xuất hiện, vẫn còn đang trong quá trình phát triển, mà chúng đã có thể đứng vững trong các bài kiểm tra để đấu với sản phẩm của công ty đồng hồ hàng đầu Nhật Bản. Đây thực sự là một tín hiệu tốt. Cuộc thử nghiệm nhỏ của ông trong lĩnh vực chế tạo đồng hồ đã đem lại kết quả. Chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên của Citizen bắt đầu được bán ra thị trường 1 năm sau đó.

Đồng hồ đeo tay và chiến tranh

Năm 1930, Viện Nghiên Cứu Shokosha được tổ chức lại và mở rộng thành một công ty đồng hồ với đầy đủ các chức năng. Công ty này có một tên mới, Citizen Watch Co. Ltd, và một vị chủ tịch mới, ông Yosaburo Nakajima. Kể từ đó, công ty bắt đầu nổi lên như một nhà sản xuất đồng hồ quan trọng. Năm 1931, công ty bắt đầu sản xuất hàng loạt đồng hồ đeo tay, đưa dòng máy F Caliber 10 line, lên dây bằng tay, vào trong vỏ máy có hình dáng tròn hoặc hình thùng tonneau. Năm 1935, công ty giới thiệu dòng máy 8 line K Caliber. Năm sau, Citizen mở nhà máy Tanashi ở Tokyo và nhà máy này vẫn tiếp tục là nơi sản xuất chính của hãng cho tới ngày nay. Khi khả năng sản xuất tăng cao, Citizen bắt đầu xuất khẩu tới khu vực Đông Nam Á và vùng Nam Thái Bình Dương vào tháng 7/1936. Những năm 30 đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của Citizen và ngành sản xuất đồng hồ Nhật Bản khi nền tảng đã trở nên vững chắc. Năm 1939, tổng sản lượng đồng hồ Nhật Bản sản xuất được đã vượt quá con số 5 triệu chiếc lần đầu tiên.

Citizen Watch Co Excutives

Nhưng đáng tiếc là quá trình phát triển của ngành sản xuất đồng hồ Nhật Bản đã sớm bị đình hoãn lại và Citizen bước vào giai đoạn thứ ba trong quá trình lịch sử của mình: giai đoạn chiến tranh. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã gây nên sự ngưng trệ nghiêm trọng đối với các thế lực sản xuất đồng hồ trên khắp thế giới, trừ một nước Thụy Sỹ trung lập. Các công ty sản xuất đồng hồ ở Mỹ, Nhật và Đức đều bị cuốn vào cuộc chiến, chuyển sang sản xuất các đồng hồ quân sự, các cơ chế ngòi nổ và các bộ phận hẹn giờ dành cho quân đội. Đối với ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Nhật Bản, chiến tranh thật là thảm khốc. Phải mất thêm 20 năm nữa Nhật Bản mới đạt lại được con số 5 000 000 đồng hồ sản xuất được lần thứ hai.

Trong thời gian chiến tranh, các công ty đồng hồ Nhật Bản đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Tokyo đầy nguy hiểm (Các nhà máy của Citizen và Seiko đã bị phá hủy bởi bom của quân Đồng Minh) tới vùng núi Alps an toàn hơn. Citizen mở một nhà máy ở vùng Nagano thuộc Alps. Nhà máy này vẫn tiếp tục hoạt động cho tới tận ngày nay và đã được công nhận là một di tích lịch sử bởi thành phố. Citizen có một cảm xúc lẫn lộn khi nhận được vinh dự này: công ty muốn cải tại nâng cấp tòa nhà, nhưng không thể bởi vì tòa nhà đã trở thành là một di tích lịch sử.

Kỷ nguyên Yamada

Trong vòng 2 thập kỷ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Citizen đã gieo những hạt giống để công ty sau này có thể trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp đồng hồ thế giới. Giai đoạn thứ 4 trong lịch sử hình thành và phát triển của Citizen đã diễn ra từ giữa những năm 40 cho đến giữa những năm 60. Kiến trúc sư cho sự phát triển của Citizen thời kỳ hậu chiến là Eiichi Yamada. Ông đã trở thành tổng giám đốc của Citizen vào tháng 3/1946 khi mới 38 tuổi và đã liên tục giữ chức vụ này trong 35 năm. Cho đến khi Yamada trao quyền tổng giám đốc của tập đoàn, Citizen đã vững vàng trở thành một công ty sản xuất đồng hồ có tên tuổi mang tầm cỡ quốc tế.

Yamada đã hiểu rằng tương lai của Citizen nằm ở việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Năm 1949, ông đã thành lập một công ty con chuyên kinh doanh và marketing có tên là Citizen Trading Company, với nhiệm vụ bán và marketing các sản phẩm của Citizen ra các thị trường thế giới.

Năm 1950, Citizen tiếp tục phát triển các công nghệ đồng hồ mình, cố gắng thu hẹp khoảng cách với các công ty Thụy Sỹ vốn lúc đó đã đạt tới vị trí còn vững chắc hơn. Citizen đã cho thấy sự tiến bộ ngày càng tăng của mình trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ bằng một loạt các mẫu đồng hồ có tính đột phá đối với ngành sản xuất đồng hồ Nhật Bản. Citizen là công ty đồng hồ Nhật Bản đầu tiên giới thiệu chiếc đồng hồ đeo tay có chức năng lịch ngày (1952), chiếc đồng hồ chống va đập đầu tiên (1956), chiếc đồng hồ đeo tay báo thức đầu tiên (1958) và chiếc đồng hồ chịu nước đầu tiên (1959).

Parashock, chiếc đồng hồ chống va đập, đã mang lại một cảm xúc mạnh mẽ tại Nhật Bản. Mùa hè năm 1956, Citizen đã thực hiện một loạt các buổi ra mắt giới thiệu một chiếc đồng hồ chống va đập là như thế nào. Trong khi hàng ngàn ánh mắt đang đổ dồn về, Citizen đã cho làm rơi chiếc đồng hồ từ một chiếc trực thăng đang bay. Thật kỳ diệu là chiếc đồng hồ vẫn sống sót và vẫn tiếp tục hoạt động. Nguyên nhân là Parashock được trang bị một chi tiết an toàn do Citizen phát minh cho phép bảo vệ bộ phận chốt thăng bằng vốn rất dễ bị tổn thương. Citizen đã cho làm rơi chiếc Parashock từ trực thăng ngay trước ga tàu điện Kyoto, tại một số cuộc thi đấu bóng chày và nhiều sự kiện khác trên khắp nước Nhật. Chiếc đồng hồ đều tiếp tục hoạt động sau tất cả các sự kiện đó. Chiến dịch quảng cáo của Citizen đã thu được thắng lợi và làm tăng mạnh sự nhận biết cũng như lòng tin của công chúng đối với các sản phẩm của Citizen.

Parashock show

Sau đó, Citizen cũng thực hiện những sự kiện tương tự đối với mẫu đồng hồ Parawater, một mẫu đồng hồ chịu nước. Trong một bài kiểm tra được thực hiện trên Thái Bình Dương vào năm 1963, Citizen đã đặt 130 chiếc Parawater vào trong những chiếc phao được thiết kế đặc biệt và thả chúng từ trên boong của một con tàu xuống biển. Những dòng hải lưu đại dương đã mang theo những chiếc phao này đến các bờ biển Bắc Mỹ. Chuyến đi kéo dài khoảng 1 năm. Khi những chiếc phao được thu hồi, những chiếc đồng hồ này vẫn đang hoạt động. Đó là nhờ phát minh chiếc vòng “O” có khả năng chịu nước của Citizen và rotor Jet có khả năng tự lên giây. Rotor Jet này sẽ truyền năng lượng lên dây cót nhờ vào lực đánh của sóng biển.

Parawater show

Vào năm 1958, Citizen giới thiệu Citizen Alarm, chiếc đồng hồ đeo tay có chức năng báo thức đầu tiên của Nhật Bản. Được trang bị loại máy Caliber A-980 lên dây bằng tay, Citizen Alarm có thêm vương miện thứ hai dùng để đặt giờ báo thức và một đĩa nhắc nằm ở trung tâm mặt đồng hồ. Cùng năm đó, Citizen cũng giới thiệu máy đồng hồ tự động đầu tiên của công ty, máy Caliber 3 KA với 21 viên đá quí.

Cho tới năm 1959, nhờ một phần vào những bước tiến mà Citizen đang thực hiện, số lượng đồng hồ do Nhật Bản sản xuất đã đạt lại mức so với thời kỳ trước chiến tranh. Tổng số lượng đồng hồ do Nhật Bản sản xuất đã đạt tới 5.45 triệu chiếc, vượt mốc 5 triệu chiếc đạt được lần đầu tiên vào năm 1939.

Cuối những năm 1950, dưới sự chỉ đạo của Yamada, Citizen bắt đầu thực hiện một chương trình mạnh mẽ vươn tầm ra thế giới. Trong vòng 7 năm từ 1958 tới 1965, Citizen đã đặt nền móng cho đế chế toàn cầu của mình. Citizen bắt đầu xuất khẩu đồng hồ sang Trung Quốc vào năm 1958. Năm 1960, Citizen bắt đầu thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với Ấn Độ để đưa ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ tới đất nước này. Cựu chủ tịch của Citizen Watch Michio Nakajima coi thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa Citizen và chính phủ Ấn Độ là bước ngoặt quan trọng của công ty, mang đến cho Citizen sự tự tin thực hiện kinh doanh ở nước ngoài.

Cũng trong năm 1960, một bước ngoặt quan trọng khác cũng đến với Citizen. Vào tháng 3/1960, Citizen bắt đầu thực hiện thỏa thuận xuất nhập khẩu với Bulova Watch Company của Hoa Kỳ. Bulova thời kỳ đó đang ở thời kỳ đỉnh cao, chuẩn bị giới thiệu mẫu đồng hồ Accutron, chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên trên thế giới. Theo thỏa thuận này, Citizen cung cấp đồng hồ và máy đồng hồ cho Bulova (ví dụ: cho dòng đồng hồ bình dân Caravelle mà Bulova đã giới thiệu vào năm 1962 sử dụng đá quí thay thế cho các chốt bằng kim loại đang có trên thị trường). Đây thực sự là một cơ hội đối với những dòng máy đồng hồ còn ít tên tuổi của Citizen và cũng là cơ hội để Citizen tham gia vào lĩnh vực kinh doanh đồng hồ cá nhân có danh tiếng. Cho đến năm 1970, đã có khoảng 2 triệu máy đồng hồ của Citizen được trang bị cho dòng đồng hồ Caravelle. Nhưng đây lại là một con dao hai lưỡi. Theo thỏa thuận, Citizen đồng ý đứng ngoài thị trường Mỹ và không cạnh tranh trực tiếp với Bulova. Mãi cho đến khi thỏa thuận này kết thúc vào giữa những năm 1970, Citizen cuối cùng đã bước chân vào thị trường Mỹ. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh là Seiko đã có mặt từ rất lâu tại thị trường Mỹ đầy cơ hội.

Không có những rào cản tương tự tại thị trường châu Âu. Năm 1965, Citizen đã mở một văn phòng tại Đức và bắt đầu xuất khẩu đồng hồ qui mô lớn tới thị trường các nước châu Âu.

Kỷ nguyên điện tử

Sự xuất hiện của đồng hồ Bulova Accutron và tháng 10/1960 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành đồng hồ thế giới. Accutron là chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên trên thế giới. Nó sử dụng một loại công nghệ mới để tính thời gian và đạt độ chính xác lớn hơn nhiều so với các đồng hồ truyền thống. Accutron giống như đứa con của thời đại không gian. Bulova đã cung cấp các thiết bị thời gian đặc biệt cho Cơ quan Hàng Không Vũ Trụ Mỹ (NASA) để sử dụng trên các vệ tinh. Các thiết bị này sử dụng năng lượng điện. Bằng cách đưa những công nghệ đã được sử dụng trên các vệ tinh vào chiếc đồng hồ Accutron, Bulova đã chế tạo ra chiếc đồng hồ chính xác nhất thế giới và mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất đồng hồ: Kỷ nguyên điện tử.

Sự đột phá của Bulova là điềm báo trước cho sự kết thúc của thời đại đồng hồ cơ khí. Nó thay thế dây tóc và bánh lắc vốn đã có mặt trong các đồng hồ trong suốt 400 năm. Đối với giới kinh doanh đồng hồ cơ khí của Thụy Sỹ, kỷ nguyên điện tử là một mối đe dọa. Nhưng đối với giới sản xuất đồng hồ Hoa Kỳ và Nhật Bản thì đây lại là một cơ hội. Trong những năm 1960, các kỹ sư chế tạo đồng hồ ở ba nước nói trên đã chạy đua nhau để nắm vững công nghệ đồng hồ mới.

Năm 1964, Citizen mở cửa phòng thử nghiệm kỹ thuật Tokorozawa, một cơ sở nghiên cứu và phát triển dành riêng cho loại đồng hồ điện tử. Trong vòng 2 năm, Citizen bắt đầu sản xuất dòng đồng hồ điện tử X-8. X-8 bắt đầu được bán ra thị trường vào tháng 3/1966 và là chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên của Nhật Bản. Đồng hồ này sử dụng pin oxide bạc và dùng máy Caliber 0800-25J. Nó có thể chạy suốt một năm không nghỉ. Trong một thời đại bị thống trị bởi đồng hồ cơ tự động, đây thực sự là một bước tiến lớn. Hơn thế nữa, kiểu dáng thiết kế độc đáo của mẫu đồng hồ này đã giành được danh hiệu “Good Design Award” của Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Quốc Tế(MITI – Ministry of International Trade and Industry).

Thành công của dòng đồng hồ X-8 đã mang lại sự tự tin rất lớn cho Citizen. Bảy tháng sau khi giới thiệu X-8, trong một bài viết gửi cho tờ Tokyo Asahi Evening News, Yamada đã đưa ra một sự tiên đoán gây chấn động. Ông quả quyết rằng Nhật Bản chỉ trong vòng 5 năm sẽ vượt qua Thụy Sỹ trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ. Lúc đó Nhật Bản đã sản xuất 13.6 triệu đồng hồ so với 55 triệu đồng hồ của Thụy Sỹ. Yamada đã đánh giá đúng khi cho rằng công nghệ đồng hồ điện tử sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ thế giới theo cách của người Nhật. Nhật Bản hiển nhiên sau đó đã lật đổ vị trí thống trị của Thụy Sỹ, nhưng mất thời gian nhiều hơn 10 năm so với lời của Yamada.

Tiếp sau X-8, Citizen tiếp tục giới thiệu máy đồng hồ X-8 Cosmotron vào năm 1967. Đây là máy đồng hồ có bộ phận tranzito với 4 nam châm và 2 cuộn dây cuốn cố định. Citizen đã bán loại máy này cho khoảng 20 công ty nước ngoài, bao gồm cả Bulova để sử dụng trong các đồng hồ của Bulova.

Dòng máy X-8 đáng chú ý bởi nó là một trong những sáng chế đầu tiên trên thế giới của Citizen. Tháng 5/1970, Citizen đã tung ra loại máy X-8 được đặt trong vỏ bằng titanium. Đây là chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới có vỏ làm bằng titanium. Công ty đã đi đầu trong việc sử dụng kim loại bền, nhẹ vào sản xuất đồng hồ và trở thành nhà sản xuất đồng hồ titanium lớn nhất thế giới.

Năm 1971, Citizen đã đạt kỷ lục sản xuất 8 triệu đồng hồ và máy đồng hồ.

Sự trỗi dậy của Citizen

Bước nhảy lớn đầu tiên trong lĩnh vực độ chính xác của đồng hồ là sự bắt đầu của Bulova Accutron vào những năm 1960. Bước nhảy lớn thứ hai đến cùng với sự xuất hiện của đồng hồ máy quartz vào đầu những năm 1970. Đồng hồ máy quartz mang đến độ chính xác chưa từng thấy với độ sai lệch chỉ 1 giây/tuần so với 1 phút/tuần của đồng hồ cơ.

Citizen tham gia thời đại đồng hồ quartz vào năm 1973 với mẫu đồng hồ Citizen Quartz Crystron, chiếc đồng hồ máy quartz hiển thị giờ analog (hiển thị giờ bằng các kim giờ, phút, giây) đầu tiên. Chiếc đồng hồ điện tử kỹ thuật số đầu tiên Quartz Crystron LC xuất hiện vào năm 1974. Đây là chiếc đồng hồ đầu tiên sử dụng màn hình tinh thể lỏng (LCD) để hiển thị thứ, ngày và giờ. Phiên bản dành cho nữ cũng là chiếc đồng hồ dành cho nữ sử dụng màn hình LCD đầu tiên.

Vào giữa những năm 1970, 10 năm đầu tư vào công nghệ đồng hồ điện tử của Citizen mà bắt đầu bằng phòng thử nghiệm kỹ thuật Tokorozawa đã bắt đầu cho kết quả. Trong 7 năm tiếp theo, từ 1975 tới 1981, cứ mỗi năm, Citizen lại giới thiệu một mẫu đồng hồ có công nghệ đột phá đầu tiên trên thế giới (xem phụ lục). Giai đoạn này càng củng cố thêm vị trí của Citizen như một công ty sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới.

Giai đoạn 7 năm từ 1975 tới 1981 bắt đầu vào tháng 12/1975 khi Citizen tung ra chiếc đồng hồ chính xác nhất vào thời kỳ đó. Citizen Quartz Crystron Mega là chiếc đồng hồ máy quartz đầu tiên có tần số 4,194,304 Hertz. Tần số cao đặc biệt này khiến cho đồng hồ có độ chính xác cao, với độ sai lệch giờ chỉ khoảng 3 giây/năm. Mega là một cái tên rất chính xác. Ngoài việc đồng hồ này rất chính xác, nó còn rất đắt. Citizen chỉ sản xuất một số lượng hạn chế đồng hồ với vỏ và dây bằng vàng với giá bán lẻ lên tới 4.5 triệu yên Nhật một chiếc.

Đồng hồ Mega không còn nghi ngờ là bằng chứng không thể tranh cãi chứng minh rằng Citizen và Nhật Bản đã tiến lên dẫn đầu về công nghệ đồng hồ. Kể từ khi bắt đầu ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của mình vào những năm 1890, Nhật Bản luôn phải đứng dưới cái bóng của Thụy Sỹ. Thời kỳ đầu, Nhật Bản bị chậm hơn khoảng 300 năm sau Thụy Sỹ về công nghệ sản xuất đồng hồ. Nhưng đến năm 1958, khi Citizen giới thiệu chiêc đồng hồ cơ tự động đầu tiên của mình, Nhật Bản đã thu hẹp khoảng cách đó xuống còn 30 năm. Ngày nay thì khoảng cách này đã được lấp đầy. Trong thế giới đồng hồ quartz, Citizen là công ty dẫn đầu.

Bước đột phá tiếp theo của Citizen là sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ mà các kỹ sư của Citizen đã nghiên cứu và thử nghiệm trong vài năm. Citizen là công ty tiên phong áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào đồng hồ. Citizen đã phát triển mẫu đồng hồ năng lượng mặt trời hiển thị analog đầu tiên vào năm 1974.  Tuy nhiên, loại pin cadmium quá đắt đỏ để có thể sản xuất thương mại. Tuy nhiên các kỹ sư của Citizen vẫn tiếp tục nghiên cứu và chuyển sang thay thế bằng loại pin oxide bạc. Năm 1976, Citizen tung ra đồng hồ Crystron Solar Cell, đồng hồ quartz hiển thị analog dùng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới. Mặt đồng hồ hiển thị thứ và ngày bằng hai ngôn ngữ với 8 tấm pin mặt trời. Đồng hồ trang bị máy Cal 8629-7j có độ sai lệch dưới 15 giây/tháng. Giá bán lẻ của đồng hồ này là 45.000¥. Đồng hồ Cryston Solar Cell là một sự vượt lên trước rất xa so với thời kỳ đó. Trong khi những chiếc đồng hồ sử dụng năng lượng mặt trời không mang lại hiệu quả lớn trong thập kỷ 70, nhưng những nghiên cứu liên tục của Citizen tập trung vào công nghệ ánh sáng đã mang lại hiệu quả rất lớn cho công ty trong 2 thập kỷ sau đó với công nghệ mang tính cách mạng sử dụng năng lượng mặt trời Eco-Drive.

Năm 1978, Citizen bắt đầu cái mà sau này được biết đến là “cuộc chiến đồng hồ mỏng”, một trong những chương đáng nhớ nhất của lịch sử đồng hồ quartz. Cuộc chiến này liên quan đến sự va chạm trực tiếp giữa ba thế lực sản xuất máy đồng hồ quartz mạnh nhất của làng đồng hồ thế giới gồm: Citizen, Seiko và ETA của Thụy Sỹ. Diễn biến của cuộc chiến đồng hồ mỏng đã xuất hiện trên nhiều dòng tít lớn trên các mặt báo khắp nơi trên thế giới, đưa sự nhận biết của công chúng đối với đồng hồ quartz, đặc biệt là đồng hồ quartz Nhật Bản, lên một tầm cao mới.

Citizen bắt đầu khởi động cuộc chiến vào tháng năm với mẫu đồng hồ Citizen Exceed Gold, còn được biết đến với cái tên Citizen Quartz 790. Đồng hồ này sở hữu máy đồng hồ đầu tiên trên thế giới có độ dầy nhỏ hơn 1mm. Sản phẩm của phòng nghiên cứu và phát triển của Citizen có kích thước đo được như sau: 23.7mm x 20.0mm x 0.98mm. Máy đồng hồ mỏng cho phép Citizen sử dụng vỏ máy mỏng. Toàn bộ đồng hồ có độ dày chỉ 4.1mm.

Chỉ vài tháng sau, Seiko trả lời với mẫu đồng hồ thậm chí còn mỏng hơn. Những mẫu đồng hồ mỏng mới từ Nhật Bản đã thu hút được sự chú ý của công chúng và khiến họ coi sự trỗi dậy của Nhật Bản như là nước dẫn đầu về công nghệ đồng hồ quartz mới. Với danh tiếng bấy lâu được coi như người đứng đầu của dòng đồng hồ này, ETA SA bắt đầu thực hiện một chương trình để phát triển những mẫu đồng hồ mỏng nhất và đáp trả lại thách thức đến từ Nhật Bản. Vào tháng 1/1979, ETA giới thiệu mẫu đồng hồ Delirium, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên vượt qua rào cản 2mm. Độ dày của mẫu đồng hồ này tính cả vỏ máy mỏng một cách ấn tượng 1.98mm. Nhật Bản tiếp tục đáp lại bằng những mẫu đồng hồ thậm chí còn mỏng hơn. Cuối cùng thì ETA đã chiến thắng với mẫu đồng hồ Delirium IV với độ dầy chỉ 0.98mm.

Thụy Sỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến đồng hồ mỏng. Nhưng Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến đồng hồ quartz. Một năm sau khi ETA giới thiệu mẫu Delirium IV, Nhật Bản đã vượt qua Thụy Sỹ để trở thành nước sản xuất đồng hồ đứng đầu thế giới. Số lượng đồng hồ do Nhật Bản sản xuất tăng vọt 23% trong năm đó lên mức 108 triệu chiếc. Trong khi đó số lượng đồng hồ do Thụy Sỹ sản xuất giảm 13% xuống còn 76 triệu chiếc. Lời dự báo của Eiichi Yamada năm 1966 đã thành hiện thực. Về phần mình, số lượng đồng hồ do Citizen sản xuất năm đó đạt 35 triệu chiếc. Đối với Yamada, đây là một sự thỏa mãn trên cả tuyệt vời. Ông nắm quyền lãnh đạo tại Citizen khi ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Nhật Bản bắt đầu vực dậy từ đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Giờ đây, họ đã trở thành nước sản xuất đồng hồ đứng đầu thế giới. (Một sự kiện ở Hong Kong đã được tổ chức vào năm 1982 để vinh danh vị trí mới của Citizen. Vào tháng mười, một biển hiệu được thắp sáng bằng các bóng đèn neon lớn nhất thế giới đã được đặt trên một tòa nhà cao tầng nhìn ra cảng Hong Kong. Cái tên xuất hiện trên biển hiệu đó là Citizen). Công việc của Yamada đã hoàn thành. Năm 1981, ông từ chức vị trí tổng giám đốc và trở thành chủ tịch của công ty.

Một công ty đồng hồ tầm cỡ toàn cầu

Người kế nhiệm chức tổng giám đốc của Yamada là Rokuya Yamazaki, cháu của Kamekichi Yamazaki – người sáng lập ra Viện Nghiên Cứu Đồng Hồ Shokosha. Sau đó vào năm 1987, đến lượt Michio Nakajima, một người cháu khác của một thành viên sáng lập khác của Citizen. (Gia đình Yamazaki và Nakajima vẫn tiếp tục hoạt động trong công ty kể từ khi thành lập và thành viên của hai gia đình vẫn tiếp tục phục vụ trong công ty cho tới nay). Hai vị tổng giám đốc này cùng với Hiroshi Haruta, người đã kế nhiệm Nakajama vào năm 1997, đều đã chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của Citizen trong vòng 2 thập kỷ qua để trở thành một công ty sản xuất đồng hồ tầm cỡ toàn cầu.

Vào giữa thập kỷ 80, Citizen và Seiko cạnh tranh lẫn nhau để giành vị trí là công ty sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới. Năm 1986, Citizen đã giành được danh hiệu và tiếp tục giữ danh hiệu đó cho đến hết thế kỷ 20. Năm đó, Citizen đã sản xuất 80 triệu đồng hồ và máy đồng hồ, chiếm 41% số lượng đồng hồ do Nhật Bản sản xuất. Thông qua các công ty con, Citizen cung cấp đồng hồ và máy cho các công ty đồng hồ khác trên khắp thế giới. Citizen vẫn giữ bí mật danh sách các khách hàng sử dụng máy đồng hồ của mình, nhưng danh sách này bao gồm cả một số những tên tuổi đồng hồ nối tiếng nhất trên thế giới.

Trong những năm 80 và 90, Citizen đã phát triển những đặc điểm đặc trưng của một nhãn hiệu đồng hồ khổng lồ như chúng ta biết đến ngày nay. Trong thập kỷ 80, Citizen đã giới thiệu mẫu đầu tiên của dòng đồng hồ lặn nổi tiếng Aqualand. Chiếc Aqualand đầu tiên năm 1985 là chiếc đồng hồ lặn điện tử đầu tiên trên thế giới có khả năng đo độ sâu. Cũng trong khoảng thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Laurence Grunstein, Citizen bắt đầu hướng đến thị trường Mỹ và biến thị trường Mỹ trở thành thị trường nước ngoài hàng đầu của Citizen.

Cuối thập kỷ 80, Citizen giới thiệu mẫu đồng hồ Altichron, chiếc đồng hồ leo núi đầu tiên trên thế giới có cảm biến đo độ cao. Dòng đồng hồ thể thao ProMaster xuất hiện vào đầu thập kỷ 90. Năm 1995, Citizen giới thiệu Eco-Drive, sản phẩm quan trọng và thành công nhất từ trước tới nay của hãng. Đồng hồ Eco-Drive đã đưa công nghệ quartz lên một tầm cao mới bằng cách giải quyết được vấn đề phiền toái mà những chiếc đồng hồ quartz gặp phải ngay từ khi chúng mới xuất hiện: tuổi thọ của pin. Công nghệ Eco-Drive của Citizen đã loại trừ việc sử dụng pin bằng cách sử dụng năng lượng từ các nguồn sáng tự nhiên hoặc nhân tạo. Đồng hồ khi tiếp xúc với bất kỳ nguồn sáng nào sẽ tự động nạp năng lượng cho pin.

Cũng trong thời gian đó, Citizen tiếp tục xác lập thêm những kỷ lục mới về số lượng đồng hồ được sản xuất. Hãng đã trở thành công ty đồng hồ sản xuất đồng hồ đầu tiên vượt qua mốc 100 triệu đơn vị vào năm 1988, 200 triệu đơn vị vào năm 1993 và 300 triệu đơn vị vào năm 1997.

Ngày nay, Citizen là một trong số những nhóm công ty công nghiệp lớn nhất Nhật Bản, với 80 công ty con trải khắp năm châu lục. Doanh thu hàng năm theo tài khóa năm 2001 đạt 393 tỉ ¥ (3.27 tỉ USD). Ngoài đồng hồ, Citizen còn sản xuất nhiều loại máy công nghiệp và các sản phẩm điện tử khác. Đó là kết quả của chính sách đa dạng hóa sản phẩm dựa trên nền tảng chính là sản xuất đồng hồ mà hãng đã bắt đầu thực hiện từ những năm 1960.

Tuy nhiên, chế tạo và sản xuất đồng hồ vẫn là ngành kinh doanh chính của hãng, chiếm 45% tổng doanh thu. Ngày nay, cứ 4 đồng hồ và máy đồng hồ được sản xuất ra trên thế giới thì có một cái của Citizen. Citizen vẫn tiếp tục khám phá những giới hạn mới trong lĩnh vực công nghệ đồng hồ. Trong những năm gần đây, bộ phận nghiên cứu và phát triển của Citizen đã giới thiệu những mẫu đồng hồ mới vượt trước thời gian, sử dụng những công nghệ mới như “radio controlled atomic timing” (tự động cập nhập giờ bằng sóng radio phát đi từ một đồng hồ nguyên tử) và đồng hồ sử dụng năng lượng thân nhiệt. Nhiệm vụ được đặt ra của hãng được lấy cảm hứng từ ý tưởng của ngài cố thị trưởng Tokyo Shinpei Goto vẫn còn tiếp tục được giữ vững và duy trì cho đến tận ngày nay, đó là để “Citizen trở nên thật gần gũi với trái tim của tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”.

NTG – Nhịp Thời Gian

Share this post